Những chiến sĩ hòa bình kỳ cựu, người đặt nền móng thành lập IPU
LTS: Sắp tới ngày 28/3, ngày Việt Nam vinh dự được Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lựa chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức kỳ Đại hội đồng lần thứ 132 tại Hà Nội từ ngày 28/3 đến ngày 1/4. Để độc giả có thông tin đầy đủ về Liên minh nghị viện Thế giới, Infonet xin trân trọng gửi đến quý độc giả những bài viết của ông Phạm Quốc Bảo, chuyên gia Tiểu ban Thông tin, tuyên truyền Đại hội đồng IPU-132, nguyên Vụ trưởng Vụ Đối ngoại Văn phòng Quốc hội, nguyên Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại Cộng hòa Bulgaria, kiêm nhiệm Cộng hòa Macedonia. Người đã tháp tùng Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam lần đầu tiên tham gia Hội nghị mùa Xuân của Liên minh Nghị viện Thế giới tại Praha, Tiệp Khắc (Cộng hòa Séc sau này) tháng 4 năm 1979.
Từ giữa thế kỷ 19, những người đấu tranh vì hòa bình thuộc nhiều tầng lớp khác nhau ở châu Âu đã có ý tưởng tập hợp các nghị sĩ của tất cả các quốc gia trên thế giới trong một tổ chức nhằm ngăn ngừa chiến tranh, bảo vệ hòa bình và giải quyết các tranh chấp quốc tế, trong số đó có William Randal Cremer và Frédéric Pasy. Tuy xuất thân từ thành phần xã hội khác nhau, nhưng hai ông đều có nguyện vọng tha thiết là đem lại hòa bình cho nhân loại và chính nguyện vọng này đã gắn kết hai ông lại với nhau và trở thành những người đồng sáng lập Liên minh Nghị viện Thế giới - IPU.
William Randal Cremer là nghị sĩ Đảng Tự do trong Hạ Nghị viện Vương quốc Anh, người theo chủ nghĩa hòa bình và đi đầu trong việc ủng hộ trọng tài quốc tế. Ông sinh ngày 18 tháng 3 năm 1828 trong gia đình thuộc tầng lớp lao động nghèo ở Hampshire, nước Anh. Lúc mười lăm tuổi, Randal Cremer học nghề thợ mộc và đi làm thuê trong các nhà máy đóng tàu và tham gia phong trào công đoàn. Ở tuổi ba mươi, ông tham gia tổ chức các chiến dịch đấu tranh đòi ngày làm việc chín giờ và đã trở thành nhà lãnh đạo công đoàn thợ mộc toàn quốc và là thành viên của Hội đồng Nghiệp đoàn London. Sau này, ông trở thành một trong những đại diện đầu tiên của giai cấp công nhân trong Nghị viện và là một trong những nhà lãnh đạo phong trào hòa bình quốc tế vào cuối thế kỷ thứ 19.
Cùng với các nhà lãnh đạo giai cấp công nhân khác, Randal Cremer đã tham gia các chiến dịch vận động quốc tế để hỗ trợ cuộc nội chiến Bắc Mỹ, chào đón Giuseppe Garibaldi*, người anh hùng của Risorgimento Italia đến nước Anh. Ngày 22 tháng 7 năm 1863, Randal Cremer đã tham gia hội nghị đại biểu công nhân các nước tổ chức ở Lodon để ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Ba Lan và phản đối Chính phủ các nước châu Âu giúp đỡ Nga hoàng đàn áp cuộc khởi nghĩa. Ngày 28 tháng 9 năm 1864, các đại biểu công nhân Pháp và Anh tổ chức cuộc họp ở Lodon để phản đối sự đàn áp cuộc khởi nghĩa ở Ba Lan (năm 1863) đã quyết định thành lập tổ chức công nhân quốc tế với tên gọi Hội Liên hiệp Công nhân Quốc tế (Quốc tế I), trong đó, Karl Marx và những người theo chủ nghĩa xã hội ở Châu Âu cũng tham gia. Randal Cremer được bầu làm Tổng thư ký của Hội vào năm 1865, nhưng từ chức sau đó hai năm.
Năm 1868, lần đầu tiên Randal Cremer ứng cử vào Nghị viện với chương trình hành động: “Thành lập Hội đồng Trọng tài Quốc tế để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia, giải trừ quân bị và thiết lập kỷ nguyên hòa bình”, nhưng không trúng cử.
Năm 1870, chiến tranh Pháp - Phổ bùng nổ, Karl Marx đưa ra hai bản hiệu triệu kêu gọi công nhân Pháp - Phổ đoàn kết chống chiến tranh. Ngày 21 tháng 7 năm 1870, hai ngày sau khi chiến tranh Pháp - Phổ bùng nổ, Cremer đã tham gia cuộc mít-tinh của những người lao động tổ chức tại London để phản đối bất kỳ sự can thiệp nào của nước Anh trong cuộc xung đột này. Ủy ban Hòa bình được thành lập và đã cử Randal Cremer làm Tổng thư ký. Đến tháng 12 năm 1870, Ủy ban này trở thành Hiệp hội Hòa Bình của những người lao động (WPA) và ra tuyên bố: Ủng hộ việc giải quyết tất cả các tranh chấp quốc tế bằng trọng tài và thành lập Tòa án Tối cao của các quốc gia cho mục đích đó. Với tư cách là Tổng thư ký của WPA, Cremer đã trở thành nhà hoạt động hòa bình trong suốt thời gian còn lại của cuộc đời mình. Năm 1888, Hiệp hội Hòa Bình của những người lao động (WPA), đổi tên là Liên đoàn Trọng tài Quốc tế (IAL) và cơ sở của những người ủng hộ IAL được mở rộng tới các đại diện từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội.
Từ năm 1885 đến năm 1895, Randal Cremer được bầu làm nghị sĩ, ông đã làm sống lại ý tưởng về Hiệp ước Trọng tài với Hoa Kỳ trong Nghị viện. Năm 1887, Randal Cremer vận động được 234 chữ ký của các nghị sĩ, đạt một phần ba tổng số thành viên của Hạ viện để kiến nghị Tổng thống và Quốc hội Hoa Kỳ ký Hiệp ước với Anh giải quyết tranh chấp giữa hai nước bằng trọng tài. Sau đó ông đã dẫn đầu Đoàn nghị sĩ Anh tới Washington để trình bày bản kiến nghị này với Tổng thống Grover Cleveland. Tuy không đạt được kết quả, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua các nghị quyết tương tự trong vài năm sau đó.
Từ năm 1900, Randal Cremer được tái cử vào Nghị viện và hoạt động cho đến khi qua đời ở tuổi 80, trút hơi thở cuối cùng vào ngày 22 tháng 7 năm 1908.
Giáo sư Frédéric Passy là chính trị gia và nhà kinh tế lý thuyết đã hiến dâng cả cuộc đời cho lý tưởng hòa bình. Ông sinh ngày 20 tháng 5 năm 1882 tại Paris trong một gia đình nổi tiếng về chính trị và khoa học với người chú là Hippolyte Passy làm Bộ trưởng dưới thời vua Louis-Philippe I và thời Napoléon III của nước Pháp. Frédéric Passy học ngành luật và làm cán sự hành chính ở Hội đồng Nhà nước một thời gian, sau đó làm ký giả.
Vào lúc kết thúc cuộc vận động trên báo Le Temps nhằm chống chiến tranh giữa Pháp và Phổ (1870-1871), ngày 21 tháng 5 năm 1867, ông lập ra Liên đoàn Quốc tế Hòa Bình (Ligue Internationale de la Paix) rồi Hội Trọng tài giữa các dân tộc (Société d'arbitrage entre les Nations) năm 1870 (tiền thân của Hội Quốc Liên và Tổ chức Liên Hợp Quốc sau này). Sau đó, ông thành lập Liên minh Quốc tế vì Hòa bình (Union Internationale pour la paix) năm 1889, tạo điều kiện dễ dàng cho sự xích lại gần nhau giữa Pháp và Anh. Frédéric Passy cho rằng hòa bình là trạng thái tự nhiên của loài người. Hòa bình quốc tế là mục tiêu, trọng tài là phương tiện giải quyết các tranh chấp trong chính trị quốc tế và tự do thương mại. Một trong những nguyên nhân chính của chiến tranh và hận thù quốc tế là sự hiểu lầm giữa các quốc gia.
Năm 1877, với những nỗ lực của mình, Frédéric Passy được bầu vào Viện Hàn lâm Khoa học Đạo đức và Chính trị (Académie des sciences morales et politiques). Năm 1881, ông được bầu vào Hạ viện, tái cử năm 1885 và thất cử năm 1889. Trong thời gian hoạt động ở nghị trường, nhằm ngăn ngừa chiến tranh, Frédéric Passy phản đối chính sách thuộc địa của chính phủ, ông đưa ra dự thảo nghị quyết đề nghị giải trừ quân bị và kêu gọi giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng trọng tài. Ông là người tán thành chủ trương mậu dịch tự do, là tác giả của đạo luật về tai nạn lao động công nghiệp, bảo vệ quyền lợi của công nhân và thợ thuyền, ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình. Ông cũng là người theo thuyết nam nữ bình quyền từ sớm.
Frédéric Passy là người đam mê ngành sư phạm và không từ bỏ thiên hướng của mình, vẫn tiếp tục giảng dạy cho tới tuổi 81 và đã viết nhiều tác phẩm. Ông từ trần ở tuổi 90, trút hơi thở cuối cùng vào ngày 12 tháng 6 năm 1912 tại Neuilly-sur-Seine.
Những tiến triển tình hình ở nước Anh cuối Thế kỷ thứ 19 đã khuyến khích các nghị sĩ Pháp, đứng đầu là nhà hoạt động hòa bình kỳ cựu Frédéric Passy có những hành động tương tự khởi đầu trong Hạ viện về Hiệp ước Trọng tài Pháp - Mỹ. Randal Cremer ghi nhận sự nỗ lực của Frédéric Passy và đã viết thư cho ông, đề nghị tổ chức cuộc họp giữa các nghị sĩ Pháp và Anh.
Mùa hè năm 1888, Randal Cremer và Frédéric Passy gặp nhau tại Paris để thảo luận về hợp tác liên Nghị viện nhằm thúc đẩy hòa bình. Hai ông đã quyết định mời tất cả các nghị sĩ đã ký kiến nghị gửi Tổng thống Grover Cleveland đến dự hội nghị ở Paris để thảo luận về Hiệp ước Trọng tài Anh - Pháp và Anh - Mỹ.
Ngày 31 tháng 10 năm 1888, cuộc họp đầu tiên diễn ra giữa các nghị sĩ Anh và Pháp để thảo luận về các vấn đề trọng tài và hòa bình. Đoàn Nghị sĩ Anh gồm 8 đại biểu do Randal Cremer dẫn đầu, Đoàn Nghị sĩ Pháp gồm 25 đại biểu, trong đó có một thượng nghị sĩ do Frédéric Passy dẫn đầu. Sau một ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua kế hoạch triệu tập hội nghị tương tự vào năm sau, thành phần mời gồm các nhà lập pháp từ các Nghị viện khác nhau trên thế giới.
Ngày 29 và 30 tháng 6 năm 1889, gần 100 đại biểu nghị sĩ từ 9 nước: Anh, Pháp, Ý, Bỉ, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Hungary, Hoa Kỳ và Liberia họp tại khách sạn Continental ở Paris. Kết thúc hội nghị, các nghị sĩ đã nhất trí quyết định đưa Hội nghị này thành một thể chế bền vững với tên gọi là Hội nghị Liên Nghị viện về Trọng tài (Inter-Parliamentary Conference for Arbitration - IPCA) và coi đây là quyết định thành lập tổ chức Liên Nghị viện đầu tiên trên thế giới. Trọng tài đã trở thành chủ đề chính trong các cuộc thảo luận và là nội dung của hầu hết các nghị quyết được thông qua. Đến năm 1899 thì IPCA chính thức đổi tên là Liên minh Liên Nghị viện (tiếng Anh là Inter-Parliamentary Union - IPU, tiếng Pháp là L’Union Interparlementaire - UIP), đánh dấu sự ra đời của Liên minh Nghị viện thế giới. Frédéric Passy được bầu làm Chủ tịch và William Randal Cremer được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký đầu tiên của IPU.
William Randal Cremer nói rằng: “Ở phía trước chúng ta là sự nghiệp lớn lao. Là những người yêu chuộng hòa bình, chúng ta không mơ tưởng hão huyền, tôi tin rằng chúng ta sẽ tạo nên những tiến bộ tuyệt vời và đã đến gần mục tiêu hy vọng của chúng ta. Thế giới đã trải qua đêm dài đau khổ, hàng triệu sinh linh đồng loại của chúng ta đã hy sinh vì con quỷ chiến tranh; máu của họ đã thấm đẫm mỗi đồng bằng và nhuộm mỗi đại dương. Nhưng, hãy can đảm lên, hỡi các bạn, dũng cảm lên! Bóng tối là kết thúc, một ngày mới là bình minh và tương lai là của chúng ta".
Với những hoạt động không mệt mỏi và cống hiến xuất sắc trong phong trào hòa bình thế giới, William Randal Cremer và Frédéric Passy là những người đầu tiên được nhận Giải thưởng Nobel Hòa Bình. Hơn 125 năm sau khi IPU ra đời, tầm nhìn của các nhà sáng lập IPU về hòa bình và an ninh bền vững vẫn còn nguyên giá trị và đúng đắn hơn bao giờ hết.