Những chiến binh lặn bắt sao biển gai
Chỉ trong 1 ngày, các tình nguyện viên đã bắt được khoảng 3.000 sao biển gai và đem đi tiêu hủy.
Các bãi biển quanh đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận thời gian gần đây bùng phát sao biển gai với số lượng lớn, đây là loài địch hại hủy diệt san hô. Nhận thấy được mối nguy hại này, mới đây, một “biệt đội” đã tổ chức lặn bắt sao biển gai tại đây.
Lặn bắt sao biển gai
Chiến dịch lặn bắt sao biển gai do các bạn trẻ tại đảo Phú Quý phát động với hơn 40 tình nguyện viên tham gia. Đây là những ngư dân, các bạn hướng dẫn viên địa phương. Để bắt sao biển gai nằm dưới đáy biển, “biệt đội” phải lặn xuống và dùng kẹp sắt gắp bỏ chúng vào giỏ. Ngoài kỹ năng lặn để không đạp phải san hô, người lặn còn phải cẩn thận để tránh đụng phải những chiếc gai độc gây đau nhức.
Hình thù sao biển gai
Sao biển gai sống dưới biển ở độ sâu từ 5 - 20m. Vòng đời của loài này khoảng 3 năm và trong khoảng thời gian đó, một con sao biển gai có thể ăn hết khoảng 25 m2 san hô. Sinh vật độc hại này ăn san hô bằng cách nằm đè dạ dày lên nhành san hô và tiết ra một loại enzyme tiêu hóa làm các mô san hô hóa lỏng. Chỉ trong một đêm, mỗi con sao biển ăn hết một lượng san hô bằng với đường kính cơ thể của nó. Thiệt hại này gây ảnh hưởng lớn đến hệ sinh thái biển.
Nhiều sao biển gai bị bắt
Với tình yêu biển đảo của mình, chỉ trong 1 ngày, các tình nguyện viên đã bắt được khoảng 3.000 sao biển gai và đem đi tiêu hủy. Thành công của chiến dịch trong lần đầu ra quân ngoài công sức của các bạn tình nguyện viên còn có sự tài trợ vật dụng, nước uống, canô và kinh phí từ các cá nhân, đơn vị. Chiến dịch ý nghĩa này sẽ được duy trì thường xuyên và cần sự chung sức của nhiều người trong những lần tiếp theo, ngoài bảo vệ những rạn san hô còn đảm bảo an toàn cho du khách khi tắm biển và lặn biển ngắm san hô.
Theo www.baobinhthuan.com.vn