Những câu chuyện tử tế có lượng view tốt không kém sốc, sex
Buổi tọa đàm bắt đầu với việc các nhà báo, nhà hoạt động xã hội cùng nhau chia sẻ sự khó khăn, "không yên tĩnh" của đời sống báo chí trong thời gian gần đây. Theo TBT báo Bưu điện Việt Nam - báo điện tử Infonet Võ Đăng Thiên thì do sự phát triển của khoa học công nghệ thông tin, báo chí đang bị tác động rất mạnh mẽ. Nhiều tờ báo, trang tin ra đời; mạng xã hội phát triển, ngân sách bao cấp cho báo chí bị cắt giảm, chính vì thế các báo đều phải đẩy mạnh cuộc cạnh tranh câu view - chính là cuộc cạnh tranh lôi kéo bạn đọc.
Muốn câu view thì tin bài phải thu hút, hấp dẫn bạn đọc, mà dễ dàng nhất là thu hút bằng những chuyện độc, lạ, kinh hoàng, những tin sốc, sex, sến....
TBT báo điện tử Infonet Võ Đăng Thiên. Ảnh: Truyền thông MEC |
Tuy nhiên, theo nhà báo Võ Đăng Thiên, những loại tin bài ấy không phải là mục tiêu lâu dài của báo chí, nó không mang lại lợi ích cho cộng đồng. Chính vì thế, rất nhiều tờ báo đã hướng đến những giá trị nhân văn hơn, hoạt động vì cộng động hơn, với những bài báo, những hoạt động nhân ái như báo Lao động, báo Dân trí....
Ở Infonet đã có nhiều cuộc trao đổi, tranh luận về vấn đề này - mối quan hệ giữa câu view, những bài báo sốc sex với những tác phẩm báo chí nhân văn, đặc biệt với vai trò là một tờ báo điện tử, là cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông. Cuối cùng, BBT Báo điện tử Infonet đã mạnh dạn thử "chậm" lại, tìm một lối đi riêng thu hút phân khúc độc giả riêng của mình, triển khai bài vở theo hướng đề cao yếu tố tử tế, phản ánh nhiều tấm gương điển hình trong xã hội, nhiều câu chuyện dung dị đời thường về những việc làm tử tế, những hành động tử tế có sức lan tỏa và tạo được nhiều hiệu ứng tốt.
“Với những tiêu chí như nghiêm túc, thiết thực, kịp thời trên tinh thần xây dựng một tờ báo tử tế chúng tôi đã chỉ đạo chung cho tất cả mọi thông tin khi được đăng tải phải dựa trên tinh thần là tử tế, đồng thời mở riêng một Chuyện mục Chuyện tử tế để đưa những câu chuyện tốt, hay trong xã hội phục vụ cộng đồng”, Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet cho biết.
Kiên trì và bền bỉ đi con đường khó đã chọn, nhưng không vì thế mà Infonet không có bạn đọc, ông Võ Đăng Thiên - Tổng Biên tập Báo điện tử Infonet lấy ví dụ từ bài viết đạt giải Vì cộng đồng lần thứ nhất“Chuyện lạ giữa Sài Gòn: Suất cơm bằng cốc trà đá, no, sạch, ngon” được đăng tải trên chuyện mục Chuyện tử tế. Nội dung bài viết cho thấy ngay giữa Sài Gòn hoa lệ, có những nơi suất cơm trưa chỉ có giá trị bằng... một cốc trà đá làm ấm lòng những người đang từng ngày vất vả kiếm sống. Nhưng điều bạn đọc quan tâm hơn ở trong câu chuyện ấy là câu chuyện của những vị khách đặc biệt tới đó, câu chuyện của những bạn tình nguyện viên, câu chuyện của những người nghèo nhất định không ăn cơm miễn phí...
Cũng như câu chuyện về quán cơm Nụ cười 2000 đồng, những bài viết khác trong loạt bài Chuyện tử tế mà Infonet đã bền bỉ đăng tải suốt năm 2014 như chuyện về chiến sĩ cảnh sát giao thông trả lại tiền cho người bị mất, về người đã đuổi theo 10km để trả lại iPad cho người bị rơi, về cô PV trẻ đi tìm ân nhân đẩy xe trong đêm giúp mình nhiều năm trước... đều là những câu chuyện đời thường dung dị, không hề giật gân nhưng vẫn thu hút một lượng lớn độc giả đón đọc, không kém những tin bài "hot" nhất trên báo.
Từ trái qua phải: Chị Đỗ Hải Linh, nhà báo Võ Đăng Thiên, nhà báo - nhà thơ Bùi Hoàng Tám và nhà báo Phan Lợi. Ảnh: MEC |
“Sự cạnh tranh làm cho người ta đôi lúc quên đi những cái tử tế thường ngày. Còn chúng tôi nghĩ rằng báo chí vẫn có độc giả bằng những câu chuyện tử tế”, Tổng Biên tập Võ Đăng Thiên nhấn mạnh.
Cũng đồng quan điểm về vấn đề này, nhà báo - nhà thơ Bùi Hoàng Tám cũng khẳng định: Những bài báo nhân ái của báo Dân trí cũng rất đông độc giả, thậm chí lượng view lớn nhất luôn thuộc về nhóm này.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là, các câu chuyện tử tế, các hoạt động nhân ái của các tòa soạn hầu hết do phía tòa soạn báo chí tự chủ động kiếm tìm, phản ánh. Sự liên hệ, mối liên kết giữa các tổ chức xã hội dân sự với cơ quan báo chí còn vô cùng lỏng lẻo, yếu ớt, khiến cho một mảng đề tài lớn Vì cộng đồng bị bỏ sót, chưa được quan tâm.
Về vấn đề này, chị Đỗ Hải Linh, phụ trách truyền thông của Trung tâm Con người và Thiên Nhiên cho rằng: các tổ chức xã hội có thế mạnh riêng trong chuyeen môn, có khả năng đi sâu đi xa, tiếp xúc trực tiếp để tìm hiểu các vấn đề, các đối tượng trong cộng đồng. Tuy nhiên, họ lại thiếu một công cụ truyền thông hiệu quả, và đó lại là thế mạnh mà báo chí đang sở hữu. Chị Linh cũng bày tỏ mong muốn được các nhà báo, các lãnh đạo báo chí chia sẻ cách thức để các tổ chức như tổ chức của chị có thể kết nối trực tiếp hơn với báo chí truyền thông.
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám đã thẳng thắn cho rằng: vì vấn đề niềm tin, đôi khi báo chí chưa mạnh dạn tiếp nhận qua "nguồn tin trung gian" là các tổ chức xã hội, mà phải cử phóng viên tự đi, tự đến, tự tìm hiểu. Tuy nhiên, đó là riêng với mảng nhân ái, còn nhiều mảng khác của các hoạt động Vì cộng đồng, nếu có tình trạng trên, thì các tổ chức xã hội cũng phải tự nhìn lại mình. Nhà báo Hoàng Tám đặt câu hỏi: Các tổ chức xã hội đã biết tự tìm trong hoạt động của mình những yếu tố có giá trị, là "miếng mồi thơm ngon" cho thông tin báo chí chưa? Nếu có cái đó rồi, thì các bạn có mối quan hệ thân thiết với các tòa soạn, các nhà báo, để họ biết ngay, đến ngay, thông tin ngay chưa?.
Nhà báo Bùi Hoàng Tám cho rằng, để mối quan hệ giữa truyền thông và các tổ chức hoạt động vì cộng đồng có hiệu quả hơn, thì mỗi bên đều phải tự đẩy mạnh thế mạnh của mình, và phải nỗ lực tìm đến với nhau trong một mối quan hệ các bên cùng có lợi: báo chí có lợi, các tổ chức xã hội có lợi và lợi ích cho cộng đồng.
Theo ông, lợi ích ở đây, không hẳn là cái đong đo trực tiếp như tiền bạc, nhưng có thể là thông tin hay, là sức lan tỏa của tổ chức xã hội, là yếu tố vun đắp cho thương hiệu tờ báo, tổ chức, là những hiệu ứng thực sự cho cộng đồng....
Với hơn hai giờ đồng hồ, các khách mời của buổi tọa đàm đã trao đổi khá sôi nổi về những vấn đề này. Buổi trò chuyện khép lại với hy vọng mở ra sẽ có một sự phối hợp hiệu quả hơn trong nỗ lực thúc đẩy hoạt động Vì cộng đồng của báo chí và các tổ chức xã hội.