Những bí mật về lịch sử bánh Trung thu
Tết Trung thu với người Việt Nam là cái tết lớn thứ 3 trong năm (sau Tết Nguyên đán, Tết Hàn thực và Tết Đoan ngọ). Một trong những món ăn đặc trưng của Trung thu đó chính là bánh nướng, bánh dẻo.
Bánh Trung thu có hình dạng vuông và tròn, nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và được truyền bá đến Việt Nam.
Có tích cổ kể lại rằng, cuối thời Nguyên của Trung Quốc có hai vị lãnh tụ là Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn khởi nghĩa nông dân chấm dứt giai đoạn thống trị của nhà Nguyên và lập ra nhà Minh.
Để có thể truyền đạt tin tức và mệnh lệnh một cách bí mật, người ta đã làm những chiếc bánh hình tròn, trong những chiếc bánh này đều có nhét thêm một tờ giấy ước định thời gian khởi nghĩa là lúc trăng sáng nhất trong đêm rằm tháng 8 âm lịch.
Về sau người Trung Quốc lấy việc làm bánh Trung thu vào ngày Rằm tháng 8 để kỷ niệm sự kiện ấy.
Lại có tích rằng, bánh này lại có nguồn gốc từ Trung Quốc và được gọi là bánh Nguyệt. Theo sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư.
Bánh này có thể coi như là thủy tổ của bánh Trung thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Mè, hạt Hồ đào, dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào.
Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh Hồ đào.
Loại bánh này còn xuất hiện trong đời sống người dân kéo dài cho đến triều đại nhà Đường (618-907 SCN).
Trong một lễ hội chào đón trăng rằm, Hoàng đế Đường Huyền Tông đã ăn thử một miếng bánh này và vô cùng ngạc nhiên trước hương vị của nó.
Dương Quý Phi lúc này nhìn lên bầu trời đêm và thấy trăng tròn nên đã đề nghị lấy tên loại bánh này liên quan đến trăng, dịch ra có nghĩa là bóng trăng.
Bánh Trung thu thực chất có nhiều tên. Trước đây nó được gọi là bánh Hồ, bánh hoàng tộc hoặc bánh đoàn viên được sử dụng trong một nghi thức đón mặt trăng của người trung cổ.
Về sau khi lịch sử phát triển, bánh Trung thu trở thành quà tặng quà biếu.
Hương vị đặt trưng của món bánh này trong đêm trăng sáng đã làm nên biết bao giá trị đẹp, giúp con người có thể sum họp, đoàn viên hạnh phúc bên nhau, dù đi đâu về đâu, đến ngày Rằm tháng 8 hãy quay về với gia đình của mình để cùng nhau họp mặt, vui vầy.
Ở Việt Nam bánh Trung thu gồm hai loại bánh là bánh dẻo và bánh nướng.
Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hột sen hay đậu xanh tán nhuyễn.
Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa "đoàn viên gia đình" sắt son không nhuốm màu vụ lợi.
Bánh nướng gồm hai phần: vỏ bánh và thân bánh.
Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, nhân có thể được làm bằng đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối có mùi vani hay sầu riêng; nhân thập cẩm gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao…
Hình tròn trong nhân là biểu hiện của sự tròn đầy, viên mãn. Vị mặn của trứng muối chính là những khó khăn vấp ngã trong cuộc sống mà mỗi con người đều phải trải qua.
Thế nhưng dù có thế nào, những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương.
Đó chính là ý nghĩa sâu sắc của bánh Trung thu trong dịp lễ đặc biệt vào ngày Rằm tháng 8.