Những bài thuốc quý từ long não
Cây long não |
Long não thiên nhiên, có tinh thể màu trắng, mùi thơm đặc biệt, vị nóng, tan trong nước, tan nhiều trong các dung môi hữu cơ (cồn, ête, clofoc).
Tác dụng dược lý
Long não có tác dụng hưng phấn trung khu thần kinh, tăng cường hô hấp và tuần hoàn, nhất là trung khu thần kinh đang ở trạng thái ức chế thì tác dụng càng rõ. Uống trong, long não kích thích niêm mạc dạ dày: liều nhỏ gây cảm giác ấm áp dễ chịu; liều cao gây buồn nôn, nôn.
Tác dụng đối với tim mạch: long não có tác dụng hưng phấn cơ tim đối với tim đang suy yếu nhưng với liều thông thường không có tác dụng nào đối với cơ tim.
Tác dụng dược động học: long não được hấp thu dễ và nhanh qua da, niêm mạc bất cứ nơi nào trên cơ thể, kể cả niêm mạc dạ dày. Thuốc bị oxy hóa ở gan được Campherenol, sau đó chuyển hóa kết hợp với glucoronic và bài tiết ra nước tiểu (Trung Dược học).
Nguy hiểm khi dùng long não không đúng
Liều dùng: uống trong: 0,1 - 0,2g thuốc tán hoặc rượu. Dùng ngoài: lượng vừa đủ tán bột trộn với dầu hoặc cồn bôi.
Tuy nhiên, cần lưu ý về độc tính của thuốc. Ví dụ dùng liều uống 0,5 - 1g có thể gây hoa mắt, chóng mặt, đầu đau, cảm giác nóng, gây kích thích, nói sảng. Uống trên 2g dẫn đến yên tĩnh nhất thời và tiếp theo là vỏ não bị kích thích gây co giật, cuối cùng là suy hô hấp và chết. Uống 7 - 15g và tiêm bắp 4g gây chết. Cấp cứu chủ yếu là điều trị triệu chứng vì thuốc được cơ thể giải độc nhanh và thường được cứu sống (Trung Dược học).
Kiêng kỵ như có thai và khí hư: không dùng (Trung Dược học). Không phải là chân hàn và người có thấp nhiệt: không dùng (Đông Dược học thiết yếu ).
Ngoài ra, long não chẳng những nóng mà còn bốc, gần giống như xạ hương, nó có thể giúp sức được cho quế, phụ tử nhưng vì người ta dương khí dễ động mà âm khí dễ hao, cho nên, uống long não nhiều thì sẽ động dương mà hao âm vậy” (Bản thảo Diễn nghĩa bổ di). Cần phân biệt: “Không nhầm long não bột với chất lấy ở cây đại bi (Blumea balsamifera) màu trắng xanh, mùi thơm nhưng hăng hơn” (Dược liệu Việt Nam).
Vài cách trị bệnh từ long não
- Trị bụng đau do uế khí thuộc sa chứng: chương não, một dược, minh nhũ hương. Tán bột, uống 0,01g với nước trà (Chương não tán - Trương Sơn Lôi phương).
- Trị lở loét do nằm lâu: long não, não sa, mỗi thứ 2g. Trường hợp chưa loét, dùng 200ml cồn 75%, chế với thuốc thành Tinctura, bôi. Nếu đã loét, dùng cao mềm hoàng liên tố, phối hợp với thuốc bôi ngoài (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
- Trị hậu môn bị thấp chẩn lở ngứa: long não, minh phàn đều 2g, mang tiêu 20g, hòa với nước sôi 600ml, đợi ấm, ngâm mông vào 10 phút, ngày 2 lần (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
- Trị chàm ở chân thường bội nhiễm hoặc loét: long não 3g, đậu hũ 2 miếng, trộn nát, đắp ngoài (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
- Trị răng sâu đau: long não, chu sa, lượng bằng nhau, tán bột, bôi (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
- Trị trẻ nhỏ bị lở ngứa: long não, hoa tiêu, mè đen, lượng bằng nhau, tán bột, trộn với vaselin, bôi (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
- Trị giun kim: long não 1g, hắc bạch sửu 3g, binh lang 6g. Tán bột. Trước khi đi ngủ, lấy 100ml nước sôi, hòa thuốc, đợi nước ấm 300C, lấy ống tiêm hút thuốc bơm vào hậu môn, liên tục 3 - 5 lượt. Kết quả tốt (Tào - Mỹ - Hoa - Thượng Hải Trung Y Dược).
- Trị đau khớp do bong gân: dầu long não, dầu tùng tiết, trộn đều, bôi chỗ đau (sổ tay Lâm sàng Trung Dược).
Nguồn SKĐS