Nhờ chồng tâm lý, tôi có cái Tết ý nghĩa nhất cuộc đời
Bây giờ thì tôi đang ở nhà chồng. Dù những ngày Tết Ất Mùi còn chưa hết hưng đối với tôi, đã hơn 30 tuổi đầu, chưa bao giờ tôi có một cái Tết hạnh phúc và ý nghĩa như Tết này.
Ảnh minh họa: Internet |
Đã 6 năm kể từ ngày lấy chồng, cũng như bao cô gái khác, cứ dịp Tết đến xuân về, tôi lại cùng nhà chồng đón giao thừa, chào năm mới. Mặc dù có phong cách sống khá hiện đại nhưng chồng tôi luôn quan niệm, dù đi đâu, ở đâu, Tết cũng là dịp để về với gia đình, với họ hàng, với quê hương.
Nhiều lần anh cũng tâm sự với tôi, từng có duy nhất một năm anh phải đón Tết ở xứ người trong thời gian đi du học, lúc ấy anh thấm thía vô cùng cái cảm giác cô đơn, buồn rưng rức khi giao thừa đến không được ở bên cạnh những người thân yêu của mình cùng đón những khoảnh khắc đầu tiên của năm mới.
Cả anh và tôi, từ ngày lên Hà Nội học đại học cho tới lúc lập gia đình và sống cùng tổ ấm nhỏ của mình tới bây giờ, chúng tôi chưa từng một lần “nếm mùi vj” tết Hà Nội như thế nào. Vì năm nào chúng tôi cũng ăn Tết trọn vẹn ở cả 2 quê đến hết kỳ nghỉ mới rồng rắn trở về thành phố.
Tết mỗi năm với gia đình anh, niềm vui càng nhân lên khi ngôi nhà nhỏ 4 thành viên dần dần mở rộng, môi năm thêm một cô con dâu, rồi mỗi năm thêm một đứa cháu gái ngoan ngoãn và năm nay, khi bố chồng tôi tròn 70 tuổi, ông lại vui mừng đón thêm thằng cháu trai “đích tôn”.
Nhưng với tôi, khi khoảnh khắc đồng hồ tích tắc từng giây dần dịch chuyển đến con số 12, lúc vui vẻ nhất cũng là lúc lắng đọng nhất. Nhìn những nụ cười viên mãn của bố mẹ chồng, của chồng, của cô con gái và cháu gái, tôi không khỏi không chạnh lòng nghĩ về bố mẹ mình. Nhất là cái Tết đầu tiên ở nhà chồng, khỏi nói tôi đã chông chênh, hụt hẫng như thế nào khi ở một nơi hoàn toàn xa lạ, giữa những con người mà chỉ mới 2 tháng trước đó, tôi vẫn còn gọi là bác trai, bác gái. Những năm sau đó, dù đã quen với việc Tết đến về nhà chồng song mỗi lúc giao thừa, nghĩ đến bố mẹ mình, tôi vẫn ứa nước mắt.
Nhà tôi cũng chỉ có bố mẹ và cậu em trai, họ hàng 2 bên đều ở xa nên Tết đến cũng chỉ cả nhà quây quần bên nhau rồi đi chúc Tết hàng xóm lân cận. Từ ngày tôi lấy chồng, cái Tết với bố mẹ tôi kém vui hẳn. Giao thừa đến, trong cái nhịp chầm chậm của đất trời, trong cái mưa xuân lãng đãng bay, trong ngôi nhà rộng, tôi luôn tưởng tượng ra cảm giác thiếu một cái gì đó trong ánh mắt mỗi người không nói được thành lời. Chỉ từ chiều mùng 2, khi con cháu về, tôi mới đọc được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt bố mẹ tôi.
Đã đôi lần nhen nhóm ý định xin chồng về quê ăn Tết ở nhà mình song chồng tôi là con trưởng nên tôi chưa bao giờ đủ dũng cảm nói ra mong muốn của mình. Năm nay tôi mới trêu đùa anh: “Tết này nhà ai nấy về nhé”, ai ngờ anh hết sức nghiêm túc đồng ý cho 3 mẹ con tôi về ngoại đón giao thừa. Anh bảo: “Mỗi năm mỗi tuổi, bố mẹ sức khỏe lại không tốt, em nên dành nhiều thời gian quan tâm hơn đến ông bà”. Và anh đã tạo điều kiện cho tôi bằng cách rất đỗi giản dị và tình cảm như thế.
Điều tôi lo ngại nhất là ông bà nội không đồng ý. Ông bà ở quê, lại là nông dân, tư tưởng dâu con rể khách đã thấm nhuần từ bao đời, không biết ông có chịu để con dâu trưởng về nhà bố mẹ đẻ, để cháu đích tôn quây quần bên ông bà ngoại hay không. Chồng tôi bảo, cứ để anh giải quyết. Vậy là anh tranh thủ về trước để thăm dò ý kiến ông bà. Tối hôm đó, chồng đi rồi mà tôi hồi hộp và lo lắng như chờ kết quả thi. Cuối cùng, tôi như vỡ òa sau cú điện thoại của chồng thông báo bố mẹ đã đồng ý.
Anh kể lại rằng, mới đầu ông bà cũng e ngại vì sao tự nhiên năm nay lại có sự thay đổi đột ngột như thế này. Nhưng anh cũng bảo nhà tôi neo người, rồi động viên, vui vẻ là ở tự trong tim, đâu nhất thiết cứ phải ở cạnh nhau mới là vui vẻ. Và thế là ông bà đồng ý Tết năm nay vắng mặt dâu trưởng và hai cháu.
Cả đêm hôm đó tôi đã không tài nào chợp mắt được. Tôi mường tượng lại những cái Tết đã qua từ thời còn son trẻ và khấp khởi mừng thầm vì mình sắp được làm những công việc quen thuộc ở chính ngôi nhà nơi mình lớn lên, cùng chính những người đã sinh thành ra mình.
Rồi từ tối 29 tôi đã cùng mẹ nhẩm tính sẽ mua những gì cho tết này. 30 Tết, tôi cùng mẹ dậy thật sớm, đi chợ sắm sửa, nào hoa để trồng ngoài sân, nào hoa cắm trong nhà cho rực rỡ, nào thức ăn nào bánh kẹo đón khách, và không quên bó mùi già về đun nước tắm. Mẹ vẫn kể, từ ngày mẹ còn bé, tết nào ông bà ngoại cũng hái nắm lá mùi già cho các con tắm tết. Hương thơm của nắm lá quê, hương thơm rất đỗi bình dị thân thuộc của đồng nội ấy đã theo mẹ suốt chặng đường, để đến khi lấy chồng và có con, mẹ vẫn muốn tắm cho các con mình như vừa nhắc nhở tuổi thơ, như vừa giúp con có được những kỉ niệm thật đẹp của hương vị Tết truyền thống.
Buổi chiều 30, tôi cùng mẹ sửa soạn, trang hoàng nhà cửa và làm mâm cơm cúng Tất niên rồi cúng Giao thừa. Nhà tuy 4 người nhưng hạnh phúc không hề nhỏ. Để rồi 6 cái tết đã qua và đến tận cái Tết này, ngôi nhà nhỏ mới lại đón thêm tôi của ngày xưa, và đặc biệt nhất là có thêm tiếng cười con trẻ. Năm nay tôi đã được cùng đếm ngược khoảnh khắc chuông đồng hồ điểm 12 tiếng, rồi vỡ òa trong tiếng pháo hoa, tiếng nhạc háo hức mừng xuân sang. Bà mẹ 2 con như tôi như bé lại tíu tít chờ bố mẹ lì xì đầu năm lấy may.
Với tôi, Tết năm nay sẽ là cái tết ý nghĩa nhất từ trước tới nay. Với tôi, Tết năm nay dài hơn của tất cả mọi người, vì nó đã gõ cửa từ lúc nhận được cuộc điện thoại của chồng, và sẽ còn dư âm suốt cả cuộc đời sau này của tôi!