NHNN: Nợ xấu ngân hàng vượt 202 ngàn tỷ đồng
NHNN: Nợ xấu ngân hàng vượt 202 ngàn tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Quyền chánh thanh tra giám sát ngân hàng của Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến ngày 31/5/2012 nợ xấu theo các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo là khoảng 117,7 ngàn tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
Thế nhưng theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn của 57 TCTD chiếm tới 90,1% tổng dư nợ của các TCTD này, thì đến 31/3/2012 nợ xấu của các TCTD là hơn 202 ngàn tỷ đồng, tương đương 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.
Công bố chiều nay, NHNN cho biết con số nợ xấu của toàn hệ thống theo thanh tra giám sát của cơ quan này là 8,6% |
Giữa những con số nợ xấu "chênh" nhau, ông Nguyễn Hữu Nghĩa giải thích, do các tiêu chí xác định nợ xấu theo quy định hiện hành bao gồm tiêu chí định lượng (thời gian quá hạn, số lần cơ cấu lại thời gian trả nợ...) và tiêu chí định tính (chấm điểm, xếp hạng khách hàng, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng...) nên tùy vào năng lực quản trị rủi ro của các TCTD khác nhau, việc sử dụng tiêu chí định tính trong phân loại nợ dẫn tới sự thiếu minh bạch trong xác định và ghi nhận nợ xấu của các TCTD.
"Cũng phải thừa nhận rằng một bộ phận không nhỏ TCTD không trích lập dự phòng rủi ro theo hiện hành để làm đẹp các bản báo cáo tài chính, vì thế mới có những con số vênh nhau giữa báo cáo của TCTD và kết quả giám sát của NHNN" – ông Nghĩa nói thêm.
Về con số nợ xấu được một số tổ chức quốc tế công bố mới đây, như Fich Ratings cho rằng nợ xấu hệ thống NH lên tới 13,3%, theo ông Nghĩa cũng cần hết sức thận trọng trước những con số này. Vì, khi đưa ra con số nợ xấu thì phải căn cứ hệ thống phân loại nợ dựa trên tiêu chí gì, mẫu chọn để đưa vào thống kê như thế nào cũng là câu chuyện đáng nói.
Do đó, khi nghiên cứu hệ thống phân loại nợ quốc tế, tuổi nợ là tiêu chí tối thiểu để xác định các khoản nợ xấu. Theo thông lệ quốc tế, Việt Nam quy định khoản nợ trên 90 ngày trở nên thì xếp vào nợ xấu từ nhóm 3 đến nhóm 5. Cụ thể, nợ có thời hạn vay 90 ngày được xếp vào nợ nhóm 3, thời hạn 360 ngày xếp nợ nhóm 4, còn trên 360 ngày xếp vào nợ nhóm 5.
Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cũng lưu ý, nợ phân loại vào nhóm 5 hiện chiếm khoảng 40% trên tổng số nợ xấu, nhưng cũng không có nghĩa nợ phân vào nhóm này là "mất vốn" hoàn toàn.
"Nợ nhóm 5 cũng được trích lập dự phòng rủi ro và tài sản bảo đảm tương đối cao, nên không có nghĩa xếp vào nhóm 5 nghĩa là mất vốn đối với TCTD"- ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về tỷ lệ nợ xấu đối với 2 lĩnh vực "nhạy cảm" hiện nay là bất động sản và cho vay chứng khoán, Cụ thể, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 5/2012 là khoảng 197.000 tỷ đồng. Nợ xấu ở mảng này chiếm tỷ lệ khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu của NH. Giá trị tài sản đảm bảo cho nợ xấu trong dư nợ bất động sản lên tới 180% dư nợ.
Đối với chứng khoán, tới 31/5 dư nợ cho vay chứng khoản gần 12.000 tỷ đồng, nợ xấu thấp chỉ 485 tỷ đồng, chiếm 4,1% tổng dư nợ cho vay kinh doanh chứng khoán.
Lãnh đạo NHNN cũng cho rằng, không nên quá lo lắng về khối lượng nợ xấu trong hệ thống NH khi tổng dư nợ tới 31/5 khoảng 117,7 ngàn tỷ đồng, nhưng trích lập dự phòng rủi ro của TCTD lên tới 67,3 ngàn tỷ đồng, tương đương khoảng 57,2%.
Ngoài ra, 84% dư nợ xấu của các TCTD đã được bảo đảm bằng tài sản, chỉ 16% không được bảo đảm bằng tài sản. Giá trị tài sản bảo đảm hiện ở mức 135% tổng giá trị nợ xấu, tỷ lệ tương đối cao.
Đáng chú ý, trong số các giải pháp mà cơ quan quản lý tiền tệ triển khai để chặn đà dòng nợ xấu gia tăng như: TCTD chủ động phối hợp với khách hàng vay để cơ cấu lại nợ, giãn thời gian trả nợ và xem xét giảm lãi suất một cách hợp lý cho khách hàng; TCTD tăng cường trích lập dự phòng, đẩy nhanh tiến độ bán, xử lý các tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu để thu hồi vốn... thì giải pháp về thành lập một công ty mua bán nợ trực thuộc NHNN lại không được đề cập tới.
Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, sở dĩ giải pháp này dù được Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đề cập tới tại diễn đàn Quốc hội mới đây, nhưng hiện việc thành lập công ty này mới là đề án, vẫn chưa được cơ quan này trình lên Chính phủ. Xung quanh số tiền để xử lý nợ xấu lên tới 100.000 tỷ đồng, ông Nghĩa khẳng định, không cần tới số tiền mặt này để xử lý nợ xấu.
Ông Nghĩa gút lại, "giá trị danh nghĩa có thể lên tới 100.000 tỷ nhưng khi mua bán lại thì giá dựa trên cơ sở giá chiết khấu, nói cách khác giá đã được tính đến giá trị tài sản đảm bảo và dự phòng rủi ro. Và nếu có thành lập một công ty mua bán nợ thì NHNN cũng phải sử dụng nhiều công cụ tài chính khác để xử lý nợ xấu".
Trường Giang