NHNN: Ngân hàng “dính” sở hữu chéo đã giảm một nửa
Tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn gửi tới các ĐBQH trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, tới nay chỉ còn 3 ngân hàng thương mại tồn tại sở hữu chéo.
Mối lo sở hữu chéo, đầu tư chéo cũng được nhiều ĐBQH quan tâm, bởi bên cạnh nợ xấu thì sở hữu chéo lâu nay vẫn được coi là “ung nhọt” trong hệ thống ngân hàng.
Trấn an lo lắng của các ĐBQH, tư lệnh ngành ngân hàng cho biết, sở hữu chéo đã được đẩy lùi một phần thông qua công tác thanh tra, giám sát; hợp nhất, sáp nhập ngân hàng và ban hành các quy định pháp lý mới.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình tự tin về quá trình xử lý sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng |
Tính đến cuối năm 2014 chỉ còn 3 cặp ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau, giảm 3 cặp so với năm 2012.
“Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với tổng vốn điều lệ của hệ thống”- ông Bình lạc quan.
Bên cạnh việc giảm sở hữu chéo thì quá trình cơ cấu, xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém cũng được cơ quan quản lý tiền tệ thực hiện rốt ráo. Theo Thống đốc, các hoạt động mua, bán, sáp nhập, hợp nhất các TCTD diễn ra mạnh mẽ, an toàn không chỉ giữa TCTD yếu kém với TCTD bình thường mà còn diễn ra giữa các TCTD bình thường với nhau hoặc giữa TCTD trong nước với TCTD nước ngoài trên nguyên tắc tự nguyện và đúng pháp luật.
Thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, số lượng TCTD đã giảm đi 7 tổ chức. Sau hơn 3 năm triển khai đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đến nay hệ thống TCTD đã giảm 14 TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Năm 2014, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc một số trường hợp mua lại, sáp nhập TCTD để vừa xử lý TCTD yếu kém vừa nâng cao quy mô, năng lực cạnh tranh một số ngân hàng thương mại.
Số lượng các cặp ngân hàng "dính" sở hữu, đầu tư chéo đã giảm một nửa so với cách đây 2 năm |
Thống đốc Bình cũng dự kiến, năm 2015 sẽ tiếp tục xem xét, triển khai một số trường hợp hợp nhất, sáp nhập với sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhà nước. Đến cuối 2015, hình thành được 1-2 ngân hàng thương mại có quy mô và trình độ tương đương với các ngân hàng trong khu vực.
Cũng nhờ quá trình cơ cấu quyết liệt ngân hàng yếu mà vốn điều lệ của hệ thống TCTD đã tăng đáng kể. Đến cuối tháng 12/2014 tổng vốn điều lệ của các ngân hàng là 435,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,29% so với tháng 12/2013. Đến cuối tháng 2/2015, vốn điều lệ là 436,3 nghìn tỷ đồng, tăng 0,16% so với tháng 12/2014. Tổng tài sản đến cuối tháng 12/2014 là 6.514,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12,2% so với tháng 12/2013.
Người đứng đầu NHNN cũng khẳng định, những kết quả đạt được trong cơ cấu lại các TCTD đã góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD trong giai đoạn tiếp theo.
“Việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân, hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ vững an toàn, không giảm đầu tư và làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế cho thấy sự cố gắng rất lớn của hệ thống ngân hàng trong thời gian qua”- Thống đốc Bình khẳng định.
Theo ông Bình, cũng nhờ quá trình cơ cấu mạnh mẽ đã góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tờ tạp chí The Banker công bố. Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10. Năm 2014, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng mức xếp hạng nhà phát hành tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn đối với BIDV và Vietinbank từ B3 lên B2; nâng xếp hạng tín nhiệm tiền gửi và xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn của NHTMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) lên một bậc, từ B3 lên B2, với triển vọng ổn định. NHTMCP Sài Gòn - Hà Nội cũng được giữ nguyên triển vọng ở mức ổn định; 5 NHTMCP khác bao gồm: Quân đội, Sài Gòn Thương Tín, Kỹ thương Việt Nam, Á Châu và Việt Nam Thịnh Vượng được tổ chức này nâng triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực”.