NHNN muốn trao độc quyền cho đại gia kinh doanh vàng?
NHNN muốn trao độc quyền cho đại gia kinh doanh vàng?
Xác lập độc quyền của SJC?
Ngân hàng Nhà nước vừa trình Chính phủ Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng với nhiều quy định khắt khe nhằm siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng miếng theo hướng thắt chặt thị trường vàng, hạn chế số người tham gia giao dịch vàng.
Theo đó, NHNN đề xuất 7 biện pháp quản lý thị trường vàng. Cụ thể, các DN muốn được NHNH xem xét cấp phép sản xuất vàng miếng phải là DN có đăng ký hoạt động sản xuất vàng miếng với vốn điều lệ từ 500 tỉ đồng trở lên. Các DN này phải chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong ba năm gần nhất.
Cùng với đó, để được cấp phép kinh doanh mua bán vàng miếng, DN phải có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên, có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 năm trở lên và có mạng lưới, địa điểm bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Theo Nghị định kinh doanh vàng mới, hơn 12.000 DN kinh doanh vàng như hiện nay sẽ khó tồn tại Ảnh: T.Hà |
Với việc trình Nghị định này, một lần nữa NHNN khẳng định tiếp tục siết chặt thị trường vàng, hạn chế số người tham gia giao dịch vàng. Điều này đồng nghĩa, hơn 12.000 DN kinh doanh vàng được cấp phép hiện nay, theo đánh giá của NHNN là tác nhân gây khó khăn cho công tác quản lý và tăng nguy cơ "vàng hóa”, khó mà tồn tại trong tương lai.
Trao đổi với PV Infonet, tổng giám đốc một công ty vàng lớn tại Hà Nội cho rằng, NHNN đã chỉ ra được một trong những căn nguyên gây bất ổn thị trường vàng thời gian qua là do: "vàng miếng SJC chiếm thị phần lớn (trên 90%) đã tạo lợi thế độc quyền tự nhiên, dẫn đến mỗi khi giá vàng biến động, tình trạng khan hiếm vàng SJC làm cho thị trường biến động mạnh hơn”, thế nhưng lại đưa ra quy định khắt khe đối với DN muốn sản xuất vàng miếng.
Cụ thể: DN phải có vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng trở lên, chiếm từ 25% thị phần sản xuất vàng miếng trong nước trở lên trong 3 năm liên tiếp gần nhất... thì thử hỏi DN nào đạt được tiêu chuẩn này, ngoài SJC. SJC đang chiếm tới 90% thị phần, 10% thị phần còn lại của miếng bánh được phân bổ lại cho các DN khác. Thử hỏi DN nào đủ 25% thị phần trong 3 năm liên tiếp theo quy định của NHNN, ngoại trừ SJC?
"Vậy nên, quy định trên của NHNN là không khả thi, không những không tránh độc quyền tự nhiên của SJC mà là xác lập độc quyền của SJC thì đúng hơn”- vị này bức xúc.
Chưa rõ cách hút vàng trong dân
Theo con số thống kê, hiện lượng vàng đang nằm trong dân ước tính khoảng 300-500 tấn. Con số này được Hội đồng Vàng thế giới đưa ra là khoảng 460-1.000 tấn vàng. Nếu số vàng này được "vốn hóa”, NHNN sẽ có thêm một khối lượng vàng lớn bổ sung vào ngân quỹ vàng, đồng thời nếu quy đổi thì một lượng lớn ngoại tệ cũng sẽ được "đổ” vào hệ thống ngân hàng, tăng nguồn dự trữ ngoại hối đang khá mỏng hiện nay.
Nguyên nhân của các cơn sốt vàng trong thời gian qua không chỉ do mất cân đối cung cầu, mà còn bởi thông tin thiếu minh bạch, nhất quán của các cơ quan có trách nhiệm trên thị trường. Đây chính là điều kiện cho giới đầu cơ trục lợi thao túng và làm lũng đoạn thị trường.
Chuyên gia kinh tế Lê Đình Ánh cho rằng, về cơ bản Nghị định kinh doanh vàng mới của NHNN đã đưa ra những quy định khá khắt khe trong việc cấp phép, lập lại trật tự DN sản xuất và kinh doanh vàng miếng, thế nhưng Nghị định lần này chưa đề cập tới toàn bộ câu chuyện thị trường vàng vướng mắc thời gian qua mà chỉ đề cập tới vài khía cạnh của thị trường. Ví như, việc mở tài khoản vàng ở nước ngoài, giao dịch vàng tài khoản hay lập sàn giao dịch vàng quốc gia để giải quyết câu chuyện giá vàng thế giới và trong nước liên thông với nhau... và quan trọng nhất là cách thức hút vàng trong dân thì dự thảo chưa chạm tới.
"Trong tình trạng khẩn cấp sử dụng biện pháp hành chính để quản lý thị trường là cần thiết, nhưng nếu lạm dụng quá thì sẽ có tác dụng ngược. Với sự kiểm soát mạnh tay của NHNN liệu chúng ta có thể huy động được số vàng lớn đang tồn trong dân, hay tạo ra tâm lý ngược, tình trạng hoạt động mua bán vàng miếng sẽ rút vào hoạt động bí mật, lén lút. Như thế, cơ quan quản lý sẽ càng khó quản thị trường, tâm lý đầu cơ thao túng giá vàng không những không hạn chế được mà âm ỉ bùng phát” – ông Ánh nêu quan điểm.
Vì thế, theo vị chuyên gia này, về tổng thể thì dự thảo Nghị định này chưa thể xử lý hết được những bất ổn, tồn tại của thị trường vàng thời gian qua.
TS. Lê Xuân Nghĩa – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia thì cho rằng, vàng không chỉ là phương tiện để tiết kiệm mà còn tham gia vào quá trình thanh toán trên thị trường.
Do đó, về lâu dài để tránh những cú sốc về giá trên thị trường trong nước và việc quản lý vàng tập trung vẫn cần phải có sàn giao dịch vàng được liên thông với thị trường vàng quốc tế. Trong đó, NHNN phải giữ vai trò cầm trịch, vừa là người quản lý, vừa cân bằng giá cả thị trường khi giá trong nước và thế giới chênh quá lớn.
Cẩm Thư