Nhìn vợ sinh con, chồng phát… sợ!
Anh nhiều lần từ chối ân ái với chị. Anh nói rằng anh không thể. Số lần hai người quan hệ chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Dù yêu trẻ con tới mức nào chăng nữa, nhưng nhắc đến chuyện sinh nở, bất cứ phụ nữ nào cũng sẽ cảm thấy có chút sợ hãi. Ngày xưa, khi y học chưa phát triển, mẹ bầu nào lên bàn đẻ cũng không khác gì chạm trán cửa tử. Bây giờ y học đã tiên tiến hơn nhiều, nhưng đau đớn dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Vợ một mình cam chịu cơn đau, hay người chồng chứng kiến quá trình vất vả đó, cả hai đều nhận lấy những vết thương. Những dòng tâm sự của chị viết về nỗi hối hận, dù chồng đã ở bên tiếp thêm sức mạnh, nhưng cái khoảnh khắc bước vào phòng sinh đã hủy hoại cuộc đời chị mãi mãi.
Chị và anh về chung một nhà sau ba năm yêu đương nồng thắm. Vì yêu trẻ con nên hai vợ chồng đã quyết định có em bé chỉ ba tháng sau ngày cưới. Ngày chị lâm bồn, anh nhất quyết vào phòng sinh vì lo cho vợ. Với sự đồng ý của bệnh viện, chị để bé chào đời theo cách tự nhiên.
Như bao người mẹ khác, nỗi đau khủng khiếp đó suốt đời chị không quên được. May mắn là suốt mười tiếng đồng hồ chịu đựng cơn đau, chị đều có chồng ở bên, không rời nửa bước, cho tới khi em bé ra đời, và anh cũng tự hào được cắt dây rốn cho con.
Niềm hạnh phúc khi con chào đời nhanh chóng bị cơn đau hậu sản làm chị kiệt sức. Cửa mình chưa lành hẳn, xương chậu thì bị trật khớp cả mấy tháng vẫn còn đau đớn. Thêm việc chăm sóc con khiến cho cơ thể và tinh thần mệt nhoài, chị mắc chứng trầm cảm sau sinh.
Nhưng rồi năm tháng cũng qua, ngày thôi nôi của con thoắt cái đã đến. Nhìn đứa trẻ kháu khỉnh, đáng yêu khiến ý nghĩ muốn sinh thêm một đứa nữa tìm đến với chị. Chị bèn thổ lộ tâm tư với chồng. Lạ lùng thay, trái với mong đợi, suy nghĩ của chồng chị hoàn toàn khác.
Trước khi có con, vợ chồng chị vẫn cực kỳ hạnh phúc. Nhưng sau khi bé ra đời, bỗng nhiên chồng chị còn không chịu đến gần chị nữa là âu yếm. Đến mức, không chịu được sự lạnh nhạt vô cớ đó, chị quyết định nói chuyện thẳng thắn với anh. Thì ra, sau khi chứng kiến toàn bộ quá trình sinh con của chị, anh cũng bị chấn thương tinh thần, đến mức trở nên sợ hãi quan hệ vợ chồng.
Ảnh minh họa |
Anh liên tục nhớ đến cảnh tượng máu, nhau thai và nước ối nhầy nhụa trên cơ thể chị. Khi anh đến gần chị, tâm trí anh lại xuất hiện hình ảnh chị vật lộn với cơn co thắt vùng xương chậu. Bản thân chị đã đau đớn như thế nào khi lâm bồn, nhưng chị không ngờ rằng chồng mình cũng bị ảnh hưởng nhiều đến thế. Với chồng chị bây giờ, cơ thể chị chính là "nơi con ra đời", bất khả xâm phạm.
Lý do đó đã khiến anh nhiều lần từ chối ân ái với chị. Anh nói rằng anh không thể. Số lần hai người quan hệ sau khi chị sinh em bé chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Giờ đã ngoài 30, chị tiếc nuối vì tuổi xuân quý giá của người đàn bà trôi qua.
Dù phải công nhận rằng chồng chị là một người mẫu mực hiếm có, luôn phụ giúp chị chăm con, làm việc nhà, ngày nghỉ anh vẫn luôn cố gắng dành thời gian bên gia đình, ngoài ra, anh còn kiếm tiền rất giỏi. Nhưng vẫn phải thừa nhận rằng, suốt mười năm qua, chị đã rất cô đơn.
Từ khi anh còn nhỏ, cha mẹ chồng đã không hòa hợp, luôn xa cách nhau. Họ quyết định chia tay lúc "hoàng hôn", khi cả hai đã già. Nhìn vào hoàn cảnh cha mẹ chồng, chị trở nên bất an cho tương lai của mình. Tất nhiên, anh cũng đã rất cố gắng cải thiện mối quan hệ của cả hai theo cách riêng. Anh hứa với chị rằng sẽ cho chị đứa con thứ hai. Hai người cũng tích cực tham gia các buổi tư vấn tâm lý.
Tuy nhiên, đến cả bác sĩ tâm lý cũng đã bỏ cuộc trước vết thương không chịu lành dù chỉ là một chút của anh. Nhìn những gia đình đông con hạnh phúc ngập tràn, chị thấy hình như mối quan hệ giữa vợ chồng chị thật khác thường.
Chị rất buồn và cảm thấy mình không còn được chồng yêu thương nữa. Anh nói rằng vì anh còn rất yêu chị nên xin chị hãy đợi anh. Chỉ có vậy thôi. Chị phải làm sao trước cơn khủng hoảng này?
Theo Thủy Tiên/ PNO