Nhìn lại ngoại giao Việt Nam qua hoạt động của Thủ tướng trong năm 2015
Ngày 30/3, tại Phiên thảo luận chung của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) 132, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã giới thiệu tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam trước gần 2.000 đại biểu tham dự .
Phó Thủ tướng khẳng định mục tiêu của đường lối đối ngoại của Việt Nam là “hòa bình, hợp tác và phát triển” với chủ trương “là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.
Các Trưởng đoàn tại Phiên toàn thể của Hội nghị cấp cao ASEAN 27. |
Với chính sách này, trong năm 2015, thông qua các chuyến công du cũng như tham gia các diễn đàn quốc tế của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam, bạn bè thế giới nhìn thấy một đất nước luôn coi trọng quan hệ hòa hiếu, hữu nghị với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng, khu vực, kiên trì phấn đấu cùng các nước khác trong cộng đồng quốc tế xây dựng một trật tự thế giới công bằng và bình đẳng dựa trên chủ nghĩa đa phương, Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế.
Việt Nam cũng đồng thời coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới; đang là thành viên tích cực, có trách nhiệm của nhiều tổ chức, diễn đàn quan trọng ở khu vực và trên thế giới như LHQ, ASEAN, Phong trào Không liên kết, APEC, ASEM.
Cụ thể, tại các diễn đàn quốc tế quan trọng trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có các bài phát biểu quan trọng, đóng góp vào tiếng nói chung của các khối liên kết, tác động lên một số vấn đề quan trọng.
Tại Hội nghị lần thứ 21 được tổ chức ở Paris, Pháp, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) cùng với 195 quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã chủ động tiến hành những đóng góp tích cực, quan trọng vào sự thành công của Hội nghị này, được nhiều quốc gia đánh giá cao. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp cấp cao của COP21, khẳng định với thế giới cam kết chính trị mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đã, đang và tiếp tục chủ động, có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế chung tay nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu bằng những hành động cụ thể cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã cam kết đóng góp 1 triệu USD vào quỹ “Khí hậu xanh” giai đoạn 2016-2020.
Nhân dịp tham dự Hội nghị COP21, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các nhà lãnh đạo của 24 nước và 4 tổ chức quốc tế là Ngân hàng Thế giới, UNESCO, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn quốc (KOIKA).
Tại các cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam trong việc thúc đẩy, tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả với các nước; đánh giá cao và bày tỏ cảm ơn các nước về sự ủng hộ, giúp đỡ hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển bền vững của Việt Nam thời gian qua, đồng thời đề nghị các nước tiếp tục dành cho Việt Nam sự hỗ trợ lâu dài, thiết thực trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Hội nghị Chống biến đổi khí hậu toàn cầu COP 21 được tổ chức ở Paris, Pháp, tháng 12/2015. |
Trong khi đó, ở Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu được một số quan điểm của Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững chung của khu vực. Trong bối cảnh ở châu Á - Thái Bình Dương hiện nay, các quốc gia đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Hòa bình và ổn định tuy được duy trì, nhưng đang bị đe dọa bởi nhiều nguy cơ truyền thống và phi truyền thống, nhất là các tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ trên biển ngày càng căng thẳng. Kinh tế tiếp tục phát triển khá cao và là đầu tầu cho tăng trưởng toàn cầu, nhưng cũng còn tiềm ẩn không ít rủi ro.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trước tình hình trên, ưu tiên hàng đầu của khối là duy trì môi trường khu vực hòa bình và ổn định để phát triển, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề quan trọng. Trước hết cần tạo dựng lòng tin chiến lược của các nước trong khu vực thông qua đối thoại và hợp tác, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, ngăn chặn xung đột tiềm tàng. Tiếp đó, các quốc gia trong khu vực cần tuân thủ luật pháp quốc tế, các chuẩn mực ứng xử cũng như các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp. Thêm vào đó, các nước cũng cần tăng cường vai trò của các thể chế đa phương ở khu vực. Cuối cùng, các nước lớn có vai trò quan trọng đối với hòa bình và ổn định ở khu vực nên họ cần hành xử có trách nhiệm và mang tính xây dựng, duy trì quan hệ ổn định.
Nhấn mạnh vào chính sách “hòa bình, hợp tác và phát triển”, tại Đại hội đồng IPU 132 được tổ chức ở Việt Nam hồi tháng 3/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước các nước tham gia, khẳng định: “Để duy trì hòa bình, hữu nghị, ổn định, an ninh an toàn một cách bền vững, mỗi quốc gia, dù lớn hay nhỏ, cùng với việc chăm lo lợi ích của riêng mình, đều phải tôn trọng độc lập chủ quyền và lợi ích chính đáng của các nước khác cũng như phải cùng quan tâm chăm lo đến các vấn đề chung - các lợi ích chung của khu vực và thế giới”.
Trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký kết nhiều hiệp định quan trọng với các đối tác thế giới. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 27, Thủ tướng cùng các nhà lãnh đạo khác của khối đã cùng ký quyết định thành lập Cộng đồng ASEAN và Tầm nhìn 2025. Theo đó, vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được ra đời.
Tại Hội nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã nêu lên các bước mà Việt Nam sẽ thực hiện để trở thành một phần quan trọng trong quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển bền vững. Theo Thủ tướng, để làm được điều này, trước hết, cần có biện pháp và nguồn lực thích đáng triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên từng trụ cột Cộng đồng. Hai là, tăng cường đoàn kết, thống nhất lập trường chung, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác đối thoại; nâng cao hiệu quả hoạt động của các diễn đàn ASEAN và thúc đẩy định hình một cấu trúc khu vực dựa trên các cơ chế hiện có của ASEAN. Ba là, duy trì hòa bình và ổn định khu vực cần tiếp tục được dành ưu tiên cao. ASEAN đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong hợp tác chính trị - an ninh.
Trên phương diện “hợp tác, phát triển”, ngoài việc Việt Nam đóng góp tiếng nói cũng như hành động tại các diễn đàn quốc tế về các vấn đề xã hội, chính trị, hợp tác kinh tế cùng phát triển cũng là ưu tiên hàng đầu của đất nước. Trong năm 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký kết hàng loạt hiệp định đối tác quan trọng như Liên minh Kinh tế Á – Âu, Hiệp định đối tác thương mại Việt – Hàn. Thủ tướng cũng thực hiện các chuyến công du quan trọng để cùng đàm phán các hiệp định song phương trong tương lai, đặc biệt là chuyến công du châu Âu hồi cuối năm để đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam – EU.
Sự tích cực tham gia mọi thể chế cũng như tăng cường giao lưu với các nước bạn trong năm 2015 đã ghi nhận một đất nước Việt Nam năng động, tích cực trong mọi vấn đề không chỉ vì lợi ích của riêng quốc gia mà còn vì cả khu vực cũng như các diễn đàn hợp tác khác. Điều này thể hiện đường lối ngoại giao nhất quán, đi theo đúng mục tiêu đã định ra là “hòa bình, hợp tác và phát triển”.