Nhìn lại một năm thua lỗ của công ty Cường 'đô la'
Chịu tác động khó khăn của nền kinh tế trong nước và thế giới, trong năm 2012 vừa qua các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đã hứng chịu khá nhiều rào cản. Trong đó, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai là một điển hình. Với người đứng đầu là bà Nguyễn Thị Như Loan – người nằm trong Top 100 những người giàu nhất sàn chứng khoán ở nhiều năm và con trai Nguyễn Quốc Cường (Cường “đô la”) là thành viên Hội đồng quản trị- nổi tiếng với thú chơi siêu xe, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã được nhiều người biết đến như một doanh nghiệp gia đình nổi tiếng và làm ăn tốt. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác, năm 2012 quả là một năm đáng buồn của Quốc Cường Gia Lai.
Công ty liên tục thua lỗ
Trải qua một năm làm ăn đầy khó khăn của năm 2011, lợi nhuận sau thuế của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai đã thua lỗ 39,83 tỷ đồng. Bước sang năm 2012, nhiều nhận định cho rằng đây vẫn là một năm khó khăn cho thị trường bất động sản nói chung. Và do hoạt động chính trong lĩnh vực này, nên Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai tiếp tục bị rơi vào vòng xoáy này. Theo báo cáo kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trong quý 1, 2, 3 của năm 2012, Công ty này đã liên tục hứng chịu thua lỗ. Tính chung lũy kế trong cả 9 tháng đầu năm, công ty này đã lỗ 2,64 tỷ đồng.
Năm 2012, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai trải qua nhiều khó khăn. |
Giải thích về tình trạng thua lỗ này, lãnh đạo Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai cho biết, năm 2012 vẫn là một năm khó khó khăn đối với thị trường bất động sản. Lãi suất ngân hàng vẫn giữ mức cao khiến cho doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản trầm lắng khiến cho doanh thu của công ty ở mảng kinh doanh này cũng bị giảm đáng kể. Ngoài ra, do sự suy giảm kinh tế toàn cầu chưa được hồi phục, tại thời điểm này doanh thu chính của Quốc Cường Gia Lai là sản phẩm bất động sản, nhưng không thể đẩy mạnh bán ra được dẫn đến doanh thu giảm.
Đặc biệt, chi phí giá thành, tài chính và chi phí khác bị ảnh hưởng bởi khó khăn về kinh tế tình hình lạm pháp tăng cao nên giá vốn trong kỳ cao hơn so với cùng kỳ năm trước như chi phí vật tư cũng như lãi vay ngân hàng tăng cao, tác động đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp.
Cổ phiếu rơi vào diện cảnh báo
Trải qua một năm đầy biến động với kết quả kinh doanh không thuận lợi trong năm 2011, ngày 11/4/2012, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã có thông báo số 389/2012/TB-SGDHCM về việc đưa cổ phiếu của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (mã CK: QCG) vào diện cảnh báo.
Nguyên nhân là lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2011 đã âm 39,83 tỷ đồng. Điều này đã vi phạm Khoản 1.1b Điều 19a Quyết định số 04/QĐ-SGDHCM ngày 17/04/2009 về việc sửa đổi, bổ sung nội dung tại Điều 19 và mục II Phụ lục 2 Quy chế Niêm yết chứng khoán tại Sở giao dịch chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh.
Chưa dừng ở đó, sau một thời gian ngắn được xếp vào danh sách chỉ số VN30 - là chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu có vốn hóa và tính thanh khoản tốt nhất thị trường thì vào hồi tháng 7, Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM đã bất ngờ công bố loại cổ phiếu QCG – Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ra khỏi danh sách này, sau khi đã xem xét đánh giá theo định kỳ đối với những thành viên trong rổ VN30.
Giá trị cổ phiếu cũng trượt giảm thê thảm Hòa chung với sự trượt giảm của thị trường, cổ phiếu QCG trong năm 2012 vừa qua cũng đã bị sụt giảm khá mạnh. Bằng chứng là, tính chung cả năm 2012 vừa qua, cổ phiếu QCG đã để mất 6.600 đồng/cổ phiếu, tương đương gần 50%. Chốt phiên giao dịch ngày cuối cùng của năm 2012, cổ phiếu QCG đang tạm đứng ở mức giá 7.300 đồng/cổ phiếu. Trước đó, hồi đầu năm 2012, cổ phiếu này có giá là 13.900 đồng/cổ phiếu.
Theo Vnmedia