Nhiều ý tưởng sáng tạo khoa học rất giá trị trong chống biến đổi khí hậu
Ông Phạm Đức Nghiệm phát biểu tại buổi tổng kết. |
Ông Phạm Đức Nghiệm – Phó Cục trưởng Cục phát triển thị trường khoa học và doanh nghiệp khoa học - công nghệ (Bộ KH&CN), Giám đốc Ban Quản lý dự án VCIC – đánh giá cao các dự án tham gia cuộc thi chứng minh ý tưởng lần 3 “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”, đặc biệt là các dự án đã được lựa chọn để có mặt tại chương trình đào tạo này.
Trao thưởng cho 3 ý tưởng xuất sắc nhất. |
Tại buổi tổng kết, từ 8 ý tưởng xuất sắc được trình bày, hội đồng cố vấn đã chọn ra 3 dự án xuất sắc nhất để trao giải: Dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước MET trong lĩnh vực xử lý nước cấp, nước thải sinh hoạt, nước thải công nghiệp của Vũ Tiến Anh; Dự án Công nghệ tái tổ hợp đất từ chất thải của tác giả Phạm Văn Hùng và dự án Làng nổi cộng sinh bền vững, thân thiện với môi trường của Nguyễn Phương Anh.
Dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước MET mang lại nhiều hy vọng cho việc xử lý nước thải sinh hoạt ở Việt Nam khi mỗi ngày, cả nước có tới 116 triệu m3 nước thải sinh hoạt, mà chỉ có 10% được xử lý.
Với việc sử dụng năng lượng cơ học tự sinh ra, công nghệ MET đã khắc phục được tất cả những nhược điểm của các công nghệ xử lý nước thải hiện nay, khi vận hành đơn giản, không mất điện, hóa chất, vi sinh, không mất tiền duy trì, cũng không cần người vận hành có trình độ cao, không cần diện tích lớn, mà không gây tiếng ồn, mùi, mà chất lượng nước sau xử lý ổn định.
Nhờ thế, công nghệ MET đã được ứng dụng cho công trình 80m3/ngày đêm nước thải sinh hoạt của công ty nhựa DISMY Hưng Yên, công trình 5m3 nước thải sinh hoạt của công ty cao su Đồng Nai, xử lý nước giếng khoan cho 4 trường học tại Hà Trung, Thanh Hóa do USAID tài trợ; 700 công trình xử lý nước giếng khoan cho hộ gia đình vv…
Ông Phạm Đức Nghiệm cho biết: Việt Nam là nước có công nghệ mà thế giới chưa có. Chính vì thế, khi VCIC tổ chức cho nhiều nhóm chuyên gia tham vấn công nghệ MET, không ai tin cho đến khi tận mắt chứng kiến. Vấn đề lòng tin là cái khó khăn nhất với người sáng chế hiện nay!
Tác giả Vũ Tiến Anh cho biết thêm: công nghệ này đã giành được huy chương vàng cuộc thi sáng chế tại Canada, huy chương Bạc tại Nhật Bản, giải công nghệ dẫn đầu ở Singapore cùng 4 huy chương tại Đài Loan vv…và hiện đã được đăng ký bằng sáng chế, đăng ký bảo hộ độc quyền.
Dự án công nghệ tái tổ hợp đất từ chất thải của tác giả Phạm Văn Hùng đã tái tạo ra một loại đất công thức Formula Soil từ chất thải, tạo ra hiệu ứng kép chống biến đổi khí hậu. Formula Soil đóng đồng thời vai trò 3 trong 1: Giá thể, chất cải tạo đất và phân bón thông minh. Dự kiến sản lượng có thể đạt 10 tấn /ngày.
Ông Phạm Văn Hùng cho biết: Công nghệ này cho phép sàng tách rác thải từ bùn đỏ, từ đó, nước thải được lọc ra và trộn thêm chất hữu cơ, tro bay, bột thạch cao vv… để thành đất công thức có đủ vi sinh, vi lượng, không có vi khuẩn. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các tập đoàn sản xuất nông sản hữu cơ, các hộ nông dân muốn trồng rau hữu cơ cũng như phục vụ xuất khẩu.
Công nghệ tái tổ hợp đất từ chất thải sẽ là niềm hy vọng cho việc xử lý các bãi rác vốn đang là nỗi nhức nhối ở nhiều địa phương, vì việc chôn lấp vừa tốn diện tích, vừa gây ô nhiễm môi trường. Theo ông Phạm Văn Hùng, công nghệ hiện đã triển khai tại một số công ty: 1000 héc-ta lúa giống của công ty Cường Tân Nam Định; chuyển đổi 1000 héc-ta cao su sang ngô hữu cơ của nhà đầu tư tại Bình Phước; 1000 héc-ta Thanh Long tại Mũi Né (Bình Thuận) và tiềm năng xử lý rác thải, cung cấp đất sạch cho nông dân khoảng 9000 xã.
Dự án làng nổi cộng sinh bền vững thân thiện với môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thí điểm tại cho đồng bằng sông Cửu Long của tác giả Nguyễn Phương Anh có nhiều ưu thế so với các dự án nhà nổi đã có: vật liệu rẻ tại chỗ, qui trình xây dựng đơn giản, sống chung với bão, lũ; kích thước thay đổi linh hoạt, có tích hợp pin năng lượng mặt trời và hệ thống lọc, xử lý nước thải, đặc biệt là nhà ở an toàn, là mô hình sinh sống cộng đồng mới theo hướng cộng sinh, kích thích phát triển kinh tế cộng đồng mà lại bảo vệ môi trường.
Chính vì thế, dự án đã được cấp bằng độc quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu tại Việt Nam; Là 1 trong 12 đội thắng giải Resilient Homes Challenge, triển lãm tại WB Headquarter, DC và triển lãm tại diễn đàn lãnh đạo thế giới tháng 5/2019 tại Geneva; Giải nhì Spec Go Green 2018 – hội Kiến trúc sư Việt Nam, hạng mục công trình đóng góp nhiều cho xã hội.
Trao chứng nhận cho các tác giả tham dự chương trình. |
Cùng với 3 dự án được trao thưởng, 5 dự án khác cũng được đánh giá cao tại buổi tổng kết: Phân bón hữu cơ từ phân tằm của công ty CP phân bón hữu cơ Tasa Việt Nam; Ống hút từ gạo có thể ăn được thay thế ống nhựa của Nguyễn Quốc Tự; Thiết bị trồng cây tiết kiệm nước của Nguyễn Quang Ngọc; Giải pháp công nghệ 4.0 khuyến khích phân loại rác tại nguồn được tích điểm, tặng quà của mGreen; Sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ phụ phế phẩm của lĩnh vực rau củ quả của Lê Thị Ngọc Hân.
Hội đồng cố vấn gồm: Ông Phạm Đức Nghiệm - Phó cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ KH&CN), Giám đốc Ban QLDA VCIC; Bà Hồ Thị Quý – Trưởng Ban hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam); Ông Nguyễn Xuân Phú – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse; Ông Trần Việt Đức - General Partner, Quỹ đầu tư mạo hiểm Việt Nam IDG Ventures; Ông Trần Lương Sơn - Nhà sáng lập VietSoftware và đồng sáng lập MITFive; Ông Đoàn Đức Thuận - Phó Tổng Giám đốc phụ trách chiến lược và thị trường Owen Fashion; Bà Đặng Thanh Hằng – Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Hằng - Beauty Medi; Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu nhỏ và vừa.