Nhiều tư liệu về Bác Hồ lần đầu tiên được công bố
Ngày 6/11, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước phối hợp với Cục Lưu trữ Liên bang Nga và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Nga qua tài liệu lưu trữ”, nhân kỷ niệm 97 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công (7/11/1917 – 7/11/2014) và hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga (30/1/1950 – 30/1/2015).
Nhiều tư liệu lần đầu được công bố
Triển lãm trưng bày hơn 200 tài liệu, hình ảnh và hiện vật phản ánh chân thực hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Liên Xô; mối quan hệ hữu nghị giữa Đảng, nhân dân hai nước Việt Nam – Liên Xô/Liên bang Nga và hình ảnh Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Liên Xô/Liên bang Nga.
Trong đó, có nhiều tài liệu trước đây được bảo quản tại Viện lưu trữ của ĐCS Liên Xô, nay là Viện lưu trữ lịch sử chính trị - xã hội Quốc gia Liên bang Nga lần đầu tiên được công bố tại Việt Nam.
Đó là giấy thông hành số 1829 ngày 16/6/1923 của đại diện Toàn quyền liên bang CHXHCN Xô Viết tại Béc-lin (Đức) cấp cho Chen Vang (Nguyễn Ái Quốc) để tới Nga. Trên giấy có ảnh Nguyễn Ái Quốc và có dấu Trạm kiểm soát biên phòng Cảng biển Petrograt khi Nguyễn Ái Quốc đến Petrograt ngày 30/6/1923.
Giấy thông hành số 1829 ngày 16/6/1923 của đại diện Toàn quyền liên bang CHXHCN Xô Viết tại Béc-lin (Đức) cấp cho Chen Vang (Nguyễn Ái Quốc) để tới Nga |
Ngoài ra, còn rất nhiều tài liệu từ năm 1923-1924 lần đầu tiên được công bố liên quan đến chứng chỉ xác nhận Bác đã được giới thiệu là Đảng viên ĐCS Pháp, được tham gia vào tất cả các kỳ của Quốc tế Cộng sản.
“Đây là bằng chứng sống động và có tính chất xác thực để chúng ta tiếp tục nghiên cứu và khẳng định quá trình đi tìm đường cứu nước của Bác và đặc biệt trong thời gian Người hoạt động ở nước ngoài” – Bà Vũ Thị Minh Hương, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẳng định.
Trích Biên bản số 35, điểm 12 của Hội đồng xét tuyển trường Quốc tế Lê nin về việc tiếp nhận ông Lin (Nguyễn Ái Quốc) – thành viên ĐCS Đông Dương vào trường, ngày 01/10/1934 |
Ngoài ra, triển lãm còn giới thiệu nhiều tài liệu về quá trình học tập của sinh viên Lin (Nguyễn Ái Quốc) tại trường Quốc tế Lê nin như: biên bản của hội đồng xét tuyển, thẻ chứng nhận sinh viên, quyết định của trường về việc cấp tiền và thực phẩm cho sinh viên theo học…
Triển lãm cần “đời” hơn
Tham quan triển lãm, ông Thúy Toàn, Chủ tịch Quỹ hỗ trợ quảng bá văn học Việt Nam – văn học Nga, Hội nhà văn Việt Nam đánh giá triển lãm phong phú, có nhiều tư liệu mới và quý, tuy nhiên mới chỉ tập trung nhiều về mặt chính trị, xã hội, chưa có nhiều tài liệu, ảnh về đời sống văn hóa.
“Có bao nhiêu nhà văn Nga đã sang Việt Nam và được Bác Hồ tiếp thì ở đây không có. Trong tay tôi có những ảnh bác Hồ tiếp nhà thơ An-tôn-xki là người dịch “Nhật ký trong tù”, hay Bác Hồ tiếp nhà văn Liên Xô Boris Polevoi – người có tác phẩm được dịch trong kháng chiến chống Pháp… Những hình ảnh Bác xem kịch Hồ thiên nga, Bác đi đón đoàn văn công của Liên Xô… là những hình ảnh rất đời, rất hay và nếu được bổ sung, triển lãm sẽ lý thú hơn.” – Ông Thúy Toàn chia sẻ.