Nhiều quốc gia thành viên đe doạ "xù nợ", UNESCO chưa biết đi về đâu
Theo thông tin mới nhất ngày 13/10 (sáng 14/10 giờ Việt Nam), sau 5 ngày ganh đua quyết liệt và trải qua 5 vòng bầu cử, tổ chức giáo dục-khoa học-văn hoá của Liên Hiệp Quốc UNESCO đã bầu được người sẽ đảm nhận cương vị Tổng giám đốc tổ chức này trong 4 năm tới, là bà Audrey Azoulay, ứng cử viên đến từ Pháp.
UNESCO được thành lập từ “đống tro tàn” của Thế chiến thứ II với mục đích bảo vệ sự kế thừa văn hóa chung của nhân loại. Thế nhưng, tuyên bố rút khỏi UNESCO đột ngột của Mỹ với lý do phản đối tư tưởng “bài Israel” có nghĩa là nhà lãnh đạo tương lai sẽ phải “gánh” một tổ chức rối loạn với những câu hỏi lớn về các nhiệm vụ cũng như ngân sách trong tương lai.
Reuters hôm qua (13/10) đã tới trụ sở UNESCO tại Paris và có cuộc phỏng vấn với một số nhà ngoại giao quốc tế. Daniel Rondeau, cựu phái viên Pháp tại UNESCO, nhận định: “Tôi nghĩ rằng đây là một quyết định thảm họa. Đây là một vết rạn gây nguy hiểm nghiêm trọng cho cấu trúc tự nhiên của UNESCO, xu hướng toàn cầu và chủ điểm đa phương hóa của tổ chức này”.
Trụ sở của tổ chức UNESCO tại Paris. Nguồn: Reuters |
UNESCO được biết đến với các hoạt động tái tạo và bảo tồn các khu vực di sản, khảo cổ học, từ đảo Galapagos cho tới lăng mộ Timbuktu.
Hầu hết các hoạt động của UNESCO không gây nhiều tranh cãi, nhưng kể từ khi thông qua nghị quyết về việc các khu vực tôn giáo ở Jerusalem nên hoạt động ra sao thì tổ chức này bị cáo buộc là đưa ra quan điểm “một phía”, thiên vị.
Đối với một số quan chức UNESCO, quyết định của Washington thể hiện một bước ngoặt lớn và việc đó sẽ tạo thêm áp lực cho người được bầu làm lãnh đạo nhiệm kỳ tới.
“Đây sẽ là một cuộc bỏ phiếu quan trọng nhất. Sẽ không còn một nhiệm kỳ bốn năm nào như trước nữa”, một nhà ngoại giao phương Tây cho biết và tỏ ra tiếc nuối thời kỳ giám đốc Irina Bokova còn đương chức.
Nhiều nhà chỉ trích cho rằng bà Bokova đã không thành công trong việc thuyết phục các quốc gia thành viên trả những món nợ của họ cũng như ngăn chặn việc chính trị hóa công việc của UNESCO.
Trung tâm các vấn đề hiện nay của tổ chức này là cuộc khủng hoảng tài chính kể từ năm 2011, khi UNESCO bỏ phiếu chấp thuận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine và Washington đã đáp lại bằng cách ngừng trả món nợ hàng năm trị giá 80 triệu USD của mình.
Hoa Kỳ và Israel là hai trong số 14/194 thành viên bỏ phiếu phản đối tư cách thành viên của Palestine. Washington cho biết sẽ thừa nhận nhà nước Palestine độc lập vào một ngày nào đó, nhưng điều này cần phải thông qua đàm phán, đồng thời khẳng định việc đưa Palestine vào các cơ quan quốc tế trước thời điểm này sẽ ảnh hưởng tới tiến trình hòa bình.
Kể từ đó, Israel thường xuyên phàn nàn về nghị quyết về các khu vực văn hóa ở khu Bờ Tây và Jerusalem, cho rằng đó là những lời lẽ không tôn trọng quốc gia Hồi giáo này.
Không có nguồn tiền của Mỹ, UNESCO, đang thuê khoảng 2.000 nhân viên trên toàn thế giới, buộc phải cắt giảm các chương trình, đóng băng việc tuyển thêm người và phải lấp đầy chỗ trống bằng những đóng góp tình nguyện. Ngân sách năm 2017 của UNESCO là 326 triệu USD, chỉ bằng một nửa so với năm 2012.
“Chúng tôi cần phải làm ít hơn với số tiền eo hẹp hơn. Chúng tôi đã cố gắng làm nhiều hơn trong khoảng thời gian dài mà không mấy dư dả về kinh tế. Chúng tôi cần phải quảng bá tốt hơn nhưng nếu không có nguồn tài trợ thì rất khó để thay đổi hình ảnh”, một quan chức UNESCO giấu tên cho biết.
Bao gồm cả Hoa Kỳ, với số tiền nợ khoảng 542 triệu USD, tổng số tiền nợ của cơ quan này vào khoảng 650 triệu USD. Ở thời điểm này, các quan chức UNESCO vẫn không biết liệu Mỹ có trả hết các khoản nợ của mình trước khi chính thức rời đi vào ngày 31/12/2018 hay không.
Cựu Giám đốc UNESCO Irina Bokova trả lời báo giới về việc Hoa Kỳ rút khỏi tổ chức này. Nguồn: Livemint |
Chính trị hóa
Các nhà đóng góp chính khác như Nhật Bản, Vương quốc Anh và Brazil cũng chưa trả những món nợ của mình trong năm 2017, đôi khi những nước này lấy lý do là để phản đối các chính sách của UNESCO.
“Sự thật là các chính sách của UNESCO hoàn toàn là về sự đoàn kết và tạo ra một môi trường cho hòa bình giữa các nước, nhưng các thành viên giờ đây lại sử dụng khoản nợ của mình để gây ảnh hưởng lên chương trình của tổ chức. Điều này cần phải thay đổi”, một quan chức UNESCO cho hay.
Ví dụ như Nhật Bản đã dọa sẽ từ chối không trả tiền vì kết luận về vụ thảm sát Nam Kinh năm 1937 của chương trình “Ký ức thế giới”. Nga và Ukraine cũng thể hiện sự bất đồng qua vụ việc Crimea khi Kiev cáo buộc Moscow đang cố hợp pháp hóa khu vực lãnh thổ sáp nhập này thông qua UNESCO.
“Ai trở thành lãnh đạo tiếp theo của tổ chức này cũng sẽ phải giải quyết những vấn đề đau đầu trên. Họ cần phải tìm ra cách để khiến các quốc gia đàm phán lại các vấn đề này, nhưng nếu không thể thì Tổng thư ký cần sẵn sàng nói không và hủy bỏ những chính sách đó”, một nhà ngoại giao UNESCO giấu tên nhận định.
Không giống như Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, nơi 5 cường quốc có quyền phủ quyết, UNESCO đưa ra quyết định dựa trên đa số phiếu tán thành. Israel cho rằng quy định này là dành cho đa số các quốc gia có thái độ thù địch với Jerusalem.
Các quốc gia lớn như Hoa Kỳ đã đóng góp phần lớn ngân sách thì cho rằng một lá phiếu của họ quá nhỏ bé so với số tiền đã sử dụng.
Trước quyết định rút lui của Mỹ hôm 12/10, hội đồng UNESCO đã cố gắng trốn tránh những bất đồng bằng cách bỏ phiếu trì hoãn văn bản Israel – Palestine gây chia rẽ đến tháng 4 năm sau.
Tất cả các ứng viên chạy đua vào vị trí lãnh đạo UNESCO đều cam kết sẽ cải cách tận gốc rễ và nỗ lực phi chính trị hóa cơ quan này.
Những ứng viên cuối cùng gồm hai cựu Bộ trưởng văn hóa từ Pháp và Qatar. Tuy nhiên thậm chí việc bỏ phiếu bầu ra một vị lãnh đạo mới cũng nhuốm màu chính trị khi Ai Cập cố gắng “ganh đua” lấy vị trí cao nhất với Qatar, quốc gia đối lập trong cuộc xung đột ngoại giao của thế giới Ả Rập.
Việc bà Azoulay chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Tổng giám đốc UNESCO được xem là một bất ngờ bởi so với ông Al Kawari đến từ Qatar, bà Azoulay tham gia tranh cử muộn hơn tương đối nhiều và trong suốt 4 vòng bầu cử trước đó từ đầu tuần này, bà Azoulay luôn ít phiếu hơn ông Kawari.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng bà Azoulay đã được hưởng lợi từ các mâu thuẫn hiện nay trong thế giới Ả Rập. Cụ thể, ngay sau khi để thua bà Azoulay, ứng cử viên của Ai Cập là bà Khattab đã tuyên bố ủng hộ bà Azoulay, kéo theo đó là nhiều lá phiếu khác của các nước Ả Rập, nhất là các nước vốn đang có căng thẳng ngoại giao với Qatar trong vài tháng qua.