Nhiều nhà máy phải trả tiền mía cho nông dân bằng... đường
Mới đây Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có văn bản báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.
Ảnh minh họa |
Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 7 đến 17/6/2018, Hiệp hội Mía đường Việt Nam đã phối hợp với Cục Quản lý Thị trường và Tổ công tác đặc biệt 334 của Bộ Công Thương đã đi khảo sát và làm việc với Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh: TP.HCM, Kiên Giang, Hậu Giang, Long An, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng về tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sở hữu trí tuệ.
Theo Hiệp hội, niên vụ 2017/2018 không chỉ tiêu thụ chậm mà giá đường liên tục giảm sâu, nhiều nhà máy đã bán bằng giá đường lậu, thấp hơn giá thành sản xuất.
Giá tại thời điểm giữa tháng 5/2018 đã giảm so với đầu vụ, đường tinh luyện khoảng 2.000 đồng/kg và đường trắng khoảng 2.800-2.900 đồng/kg.
Nhiều nhà máy do tiêu thụ chậm không có doanh thu, không vay được ngân hàng, có nhà máy đã phải thanh toán tiền mía cho nông dân bằng đường. Lượng tồn kho đến 31/5/2018 tại nhà máy đường khoảng 670 ngàn tấn. Đây là năm thứ hai có lượng đường tồn kho cao so với cùng kỳ các năm gần đây.
Trong khi đó, đường lậu, gian lận thương mại, hàng giả có xu hướng gia tăng. Nhập khẩu các loại đường khác thay thế đường mía để làm nguyên liệu công nghiệp chế biến thực phẩm nhất là nước giải khát có xu hướng gia tăng.
Các doanh nghiệp dùng đường cho sản xuất có tư tưởng chờ đợi ý kiến của Chính phủ về việc gia hạn thời điểm xóa bỏ hạn ngạch thuế quan mặt hàng đường của Hiệp định ATIGA…
Hiệp hội cho biết, từ sau phá thành công chuyên án Tỷ đường (An Giang) tình hình buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại lại diễn biến phức tạp, tinh vi hơn, gần như công khai và gia tăng ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đường cát sau khi được tập kết dọc các tỉnh biên giới Lào và Campuchia được chuyển lậu bằng đường bộ và đường thủy vào nước ta, sau đó được tập kết và vận chuyển bằng ô tô tải thẳng về các điểm tiêu thụ. Trong quá trình vận chuyển, bán hàng thường để nguyên bao bì nhãn mác của nước ngoài (Thái Lan).
Đường lậu sau khi tập kết thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của nhà máy, công ty đường trong nước.
Đường lậu được các doanh nghiệp, thương nhân tại Kiên Giang, Hậu Giang, Long An được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép kinh doanh “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg ghi nhãn mác của doanh nghiệp nhưng không rõ ràng về nơi sản xuất, chất lượng, ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Theo Hiệp hội, nguyên nhân của tình trạng trên là do đường biên dài khó kiểm soát, đối tượng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Ngoài ra còn có nguyên nhân một số cán bộ chiến sĩ, biên phòng còn chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên quyết đấu tranh chống buôn lậu.
Như ngày 16/6, tổ công tác khảo sát lối mòn trên song Sepon thị trấn Lao Bảo, huyện Hương Hóa, Quảng Trị, các thuyền vận chuyển hàng lậu, đường cát liên tục cập bến chuyển hàng lên bờ và dùng phương tiện xe máy chuyển về nơi tập kết. Sáng 17/6, Tổ công tác đến Đội Kiểm soát hành chính Đồn Biên phòng Lao Bảo (nơi gần điểm tập kết hàng lậu) để phán ánh tình trạng buôn lậu nhưng không gặp bất cứ chiến sĩ nào trực đồn.
Sự phối hợp của cơ quan chức năng chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại chưa thường xuyên, chưa tốt, nhất là công tác thông tin tố giác tội phạm, phối hợp hành động ngăn chặn và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó, sử dụng hồ sơ hợp pháp như hồ sơ nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch thuế quan hoặc hồ sơ đấu giá đường lậu để qua mặt cơ quan chức năng trong vận chuyển, kinh doanh.
Một số doanh nghiệp ở các tỉnh không có nhà máy đường như An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An,…đã cho phép thành lập và đăng ký kinh doanh theo Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm nên nhiều doanh nghiệp lợi dụng để tổ chức sang chiết, đóng gói kinh doanh đường lậu.
Từ thực trạng trên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng giao Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan tăng cường công tác phối hợp, triển khai các biện pháp tích cực ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.
Giao Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Quản lý Thị trường phối hợp với các Bộ ngành có liên quan thuộc Ban chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại.
Giao Bộ Tài chính nghiên cứu xem xét trình Thủ tướng Chính phủ việc đấu mặt hàng đường lậu theo hướng đấu giá hạn chế chỉ các doanh nghiệp sản xuất đường tham gia đấu giá đưa vào tái chế, tránh tình trạng lợi dụng trúng đấu giá để quay vòng hóa đơn hợp thức hóa đối với đường lậu.
Giao Bộ NN&PTNT chỉ đạo các các Sở Nông nghiệp chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm đối với cơ sở được cấp giấy kinh doanh mặt hàng đường.
Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh, thành phố rà soát các doanh nghiệp đã được cấp phép kinh doanh, sản xuất, chế biến đường mà địa phương không có nhà máy đường về điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu, các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hiệp hội Mía đường Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng sớm xem xét công bố cho phép một số cửa khẩu phụ tại tỉnh biên giới nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp mía đường tiêu thụ lượng đường đang tồn kho lớn và giá thấp hiện nay.