Nhiều địa phương muốn sạch địa bàn nên cứ nghiện là cho đi trại
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH Đào Ngọc Dung tại phiên trả lời chất vấn của các ĐBQH vào sáng 18/4.
Bộ trưởng Bộ LĐ TB & XH Đào Ngọc Dung |
Cơ sở chỉ giáo dục cai nghiện được 500 người nhưng lại nhận đến 1.400 người
Mở đầu phiên chất vấn, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) đặt câu hỏi: Vừa qua xảy ra một số vụ học viên cai nghiện trốn trại ở các trung tâm, xin cho biết nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vừa qua ở một số cơ sở cai nghiện có tình trạng trốn trại tập thể, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, công tác phòng chống cai nghiện ma túy là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo 2 cuộc họp liên quan đến vấn đề này. Bộ đã họp với 21 tỉnh trọng điểm về ma túy.
Theo thống kê hiện cả nước có trên 210.000 người nghiện ma túy, có hồ sơ quản lý, tăng hơn 10.000 người so với năm 2015. Hiện xuất hiện nhiều loại ma túy mới có tính chất rất phức tạp, nhất là ma túy đá, dẫn đến rối loạn tâm thần, ảo giác và có các hành vi nghiêm trọng.
Hiện cả nước có 60.000 người nghiện đang được cai nghiện ở các cơ sở cai nghiện ma túy, trong đó trên 17.000 người là cai nghiện bắt buộc và trong số này có khoảng 10.000 người không có nơi cơ trú (chiếm 59%). Vừa qua, xảy ra một số cơ sở trốn trại, thậm chí đập phá trại để trốn ra ngoài ở Đồng Nai, Vũng Tàu, Tây Ninh, Hải Phòng…
“Lý do vì việc chúng ta đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện tập trung là điều không mong muốn nhưng bắt buộc phải làm, hầu hết số này bản thân họ không tự nguyện đi cai mà chủ yếu chỉ gia đình họ mong muốn. Một số nơi thực hiện không đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, trong đó có việc một số địa phương vì mục tiêu làm trong sạch địa bàn nên cứ thấy có người nghiện là đưa vào cơ sở cai nghiện. Trong khi theo đúng quy định phải phân loại. Cũng từ việc này dẫn đến quá tải tại các trung tâm cai nghiện.
Chẳng hạn tại Đồng Nai, cơ sở chỉ giáo dục cai nghiện được khoảng 500 người nhưng lại nhận đến 1.400 người, dẫn đến bức bối, bức xúc cho các em.
Thứ 2, trong quá trình cai nghiện giáo dục này phải phân loại người giai đoạn cai nghiện ban đầu với giai đoạn sau. Thế nhưng nhiều nơi lại để người giai đoạn đầu ở chung với người giai đoạn sau, dẫn đến bức xúc hoặc lôi kéo nhau.
Hầu như ở các cơ sở cai nghiện này tối thiểu 35-40% là những người từng có tiền án tiền sự, số này tâm lý thường hay quá khích, lôi kéo, thậm chí xúi giục để trốn trại”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.
Chưa có chế tài xử lý học viên trốn trại ra ngoài
Một nguyên nhân khác được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chỉ ra rằng đó là khi các em trốn trại ra ngoài, chế tài xử lý chưa có. Chẳng hạn vụ ở Vũng Tàu, hỏi các học viên trốn trại họ nói thẳng nếu bị bắt thì cũng chỉ phải quay trở lại trại thôi nên không có gì phải ngại.
Vì quá tải, 1 cán bộ phải phục vụ tối thiểu 10 học viên. Trong khi việc tuyển dụng cán bộ cai nghiện rất khó, không tuyển được. Lương cho họ chỉ hơn 2 triệu đồng/ tháng, trong khi môi trường rất phức tạp. Chưa kể cán bộ công tác trong môi trường này cũng chưa được trang bị công cụ, thiết bị gì để bảo vệ, đảm bảo an ninh an toàn cho chính mình.
“Cuối cùng, cơ sở pháp lý trong lĩnh vực này hiện vẫn còn có 5 điều đang vướng mắc. Thứ nhất, độ tuổi từ 12-18 tuổi, theo luật chúng ta không đưa các đối tượng này vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc nhưng thực tế số này ngoài xã hội khá lớn và tính chất rất phức tạp. Thứ 2, chúng ta áp dụng cai nghiện ma túy, theo quy định những em có nơi cư trú ổn định thì không áp dụng cai nghiện bắt buộc trong khi ở các thành phố lớn chiếm tỷ lệ rất đông người nghiện đến từ các nơi khác, rất khó để xác định sớm nơi cư trú của họ. Thứ 3, tỷ lệ cai nghiện ma túy thành công rất nhỏ nhưng thời gian cai nghiện quy định 24 tháng là quá dài. Cuối cùng, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng còn nhiều bất cập, Bộ LĐ-TB&XH được giao quản lý nhưng đây là lĩnh vực rất phức tạp” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu.
Đưa ra giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu phải tiếp tục nâng cao nhận thức về tội phạm ma túy; tập trung thực hiện 3 giảm, giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại; phải sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khắc phục một số vướng mắc; Cấp đầy đủ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác này và tăng cường công tác cán bộ, làm rõ trách nhiệm từng cấp từng ngành.