Nhiếp ảnh gia Pete Souza - “Vũ khí bí mật” của Tổng thống Obama?
Ông Pete Souza hiện là Giám đốc bộ phận nhiếp ảnh tại Nhà Trắng. Ông sinh năm 1954 tại Massachusetts (Mỹ), ông từng tốt nghiệp cử nhân ngành quan hệ công chúng tại Đại học Boston và tốt nghiệp thạc sĩ ngành nhiếp ảnh báo chí và truyền thông tại Đại học Kansas.
Trước đây ông cũng từng là nhân viên chụp ảnh cho cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Ông Pete Souza hiện là Giám đốc bộ phận nhiếp ảnh tại Nhà Trắng. |
Nhờ có ông, những khoảnh khắc gần gũi, đáng yêu đời thường hay nghiêm túc, bận bịu khi làm việc của Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được chụp lại và chia sẻ cho công chúng.
Ông Pete còn được cho là một “mắt xích” quan trọng trong một chuỗi các yếu tố giúp ông Obama tái đắc cử nhiệm kì 2 hồi năm 2012. Những bức ảnh của ông đã tăng cường tình cảm của cử tri Mỹ đối với ông Obama, lấn át những lo ngại về chính sách.
Ông Robert Gibbs, người từng là Thư ký báo chí Nhà Trắng trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Obama cho biết: "Pete sẽ là người minh họa quan trọng nhất 8 năm cầm quyền của ông Obama".
Ông Obama thân thiện cụng tay với một nhân viên làm vệ sinh. |
Trong vô số nhiều bức ảnh có giá trị mà ông Pete đã chụp, có hai bức ảnh thể hiện rõ nhất vai trò của vị nhiếp ảnh gia này trong việc kết nối ông Obama với công chúng.
Bức ảnh thứ nhất chụp ông Obama đang ngồi trong Phòng Tình huống theo dõi cuộc tấn công vào hang ổ của trùm khủng bố Osama bin-Laden. Bức ảnh đã được Nhà Trắng công bố rộng rãi qua mạng xã hội Flickr. Nó khắc họa ông Obama là một vị tổng tư lệnh thực thụ. Một người thực sự quan tâm và hiểu được tầm quan trọng của sứ mệnh lịch sử đó, cũng như sự lo lắng cho tính mạng của những người đang thực hiện nhiệm vụ.
Bức ảnh thứ hai chụp khi ông Obama giả vờ hoảng hốt khi bị một cậu bé mặc đồ người nhện bắt. Nó đã thu hút hàng chục triệu người xem. Mọi người tỏ ra thích thú khi thấy một người gánh trên vai nhiều trọng trách nhưng vẫn có thể dễ thương đến vậy trong đời thường.
Ông Obama giả vờ hoảng hốt khi bị một cậu bé mặc đồ người nhện bắt. |
Anita Dunn, cựu cố vấn truyền thông cấp cao của Nhà Trắng, cho hay: “Nếu một bức ảnh đáng giá bằng cả nghìn từ, thì Pete Souza đang viết toàn bộ các nhiệm kỳ của Tổng thống Obama bằng các bức ảnh của mình, tăng cường sự kết nối trực tiếp giữa người dân Mỹ và vị tổng thống của họ”.
Cuối tháng 5/2016, ông Pete đã tung ra một loạt ảnh diễn tả chân thực nhất sự gần gũi, thân thiện và hài hước nhất của ông Obama trong suốt 2 nhiệm kỳ của mình.
Các bức ảnh đều rất ấn tượng, mang cả tình người và tính lịch sử trong Nhà Trắng.
Khó ai có thể quên được hình ảnh ấm áp, đầy tình người khi nhà lãnh đạo cường quốc số một thế giới cụng tay với một người lao công, vui vẻ khiêu vũ với một cụ bà 106 tuổi ở Nhà Trắng.
Những hình ảnh đáng yêu đời thường của ông Obama "đốn tim" công chúng. |
Năm 2012, ông Souza còn bắt được khoảnh khắc ông Obama cúi gập người để cậu bé Jacob Philadelphia 5 tuổi có thể sờ đầu ông để xem liệu tóc Tổng thống Mỹ có giống tóc mình không. Ông Obama cũng dành được rất nhiều tình cảm thông qua bức ảnh này.
Dưới ống kính của ông Pete, công chúng còn có thể thấy Nhà Trắng đã được biến thành một ngôi nhà hạnh phúc thực sự như bao ngôi nhà bình thường khác, chứ không chỉ hào nhoáng, đậm màu chính trị. Phòng Bầu dục nhiều lần chứng kiến cảnh chơi đùa chạy nhảy vô tư của trẻ em.
Theo tờ The Guardian (Anh), điều khiến nhiếp ảnh gia Pete Souza trở thành người lý tưởng để kể câu chuyện về Obama qua những bức ảnh là ông đã từng là nhiếp ảnh gia của cựu tổng thống Mỹ Ronald Reagan.
Ông Pete cho rằng, ông Reagan và ông Obama có nhiều điểm tương đồng. Cả 2 đều rất giỏi truyền đạt thông điệp, cảm xúc, có gì đó khiến mọi người cảm thấy gần gũi, thoải mái.
Trong những bức ảnh của Pete Souza, ông Obama chưa bao giờ có dáng vẻ kiêu ngạo, xa cách hay nguy hiểm. Ông luôn tỏ ra vui vẻ và khiêm nhường. Nhiếp ảnh gia Pete còn cho thấy ông Obama “ngầu” hay điềm tĩnh thế nào trước những lời chỉ trích.
Theo The Guardian, những bức ảnh của ông Pete là câu chuyện chân thật nhất về Tổng thống Obama mà từ ngữ không thể diễn tả được hết.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo tờ Washington Post của Mỹ và tờ The Guardian của Anh.