Nhiệm kỳ 2010- 2015, Gia Lai kết nạp hơn 13.800 Đảng viên
Để thực hiện mục tiêu đề ra, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các Đảng bộ trực thuộc thực hiện tốt Chỉ thị 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị 04-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XIII) về việc kết nạp đảng viên xóa thôn, làng, tổ dân phố trắng Đảng viên và tổ chức Đảng. Đồng thời, quan tâm công tác tạo nguồn, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng những quần chúng ưu tú là người dân tộc thiểu số; trưởng, phó ngành ở cơ sở; lực lượng dân quân, công an viên, bộ đội phục viên xuất ngũ; giáo viên, cán bộ y tế thôn, làng, tổ dân phố; đoàn viên thanh niên, phụ nữ, lao động trong các thành phần kinh tế... Việc kết nạp Đảng viên chú trọng chất lượng, đảm bảo nguyên tắc, tránh chạy theo số lượng, gắn công tác kết nạp Đảng viên với việc củng cố tổ chức Đảng.
Ban Tổ chức Thành ủy, Huyện ủy, Thị ủy và các Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Gia Lai đã mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tổ chức-xây dựng Đảng cho các cấp ủy viên cơ sở và cán bộ phụ trách Văn phòng Đảng ủy cơ sở, đồng thời cử cán bộ trực tiếp tham gia với cấp ủy cơ sở thực hiện các bước của công tác phát triển Đảng viên và tháo gỡ các vướng mắc trong thẩm tra, xác minh lý lịch, hoàn thiện thủ tục hồ sơ kết nạp Đảng viên. Đồng thời, chỉ đạo cấp ủy cơ sở tiến hành khảo sát nắm chắc nguồn phát triển Đảng viên, lập danh sách đối tượng giao cho cấp ủy viên, phụ trách các chi bộ, tổ chức đoàn thể ở thôn, làng, tổ dân phố nắm để theo dõi, giúp đỡ... Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn phải phát huy vai trò của cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị làm tốt công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp Đảng viên, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố vững mạnh toàn diện và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên hàng năm, là một trong những chỉ tiêu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và phân loại tổ chức cơ sở Đảng hàng năm, khen thưởng đối với cấp ủy cơ sở.
Bên cạnh đó, các cấp ủy cơ sở còn thực hiện việc điều chuyển Đảng viên về các thôn, làng, tổ dân phố để thành lập chi bộ. Nhờ làm tốt công tác lãnh đạo và chỉ đạo, nên trong nhiệm kỳ, toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp hơn 13.800 Đảng viên, bình quân mỗi năm kết nạp 2.760 Đảng viên. Tỷ lệ kết nạp Đảng viên hàng năm tăng bình quân 7,38%, vượt chỉ tiêu Đại hội XIV đề ra. Đến cuối năm 2012 Đảng bộ tỉnh không còn thôn, làng, tổ dân phố trắng Đảng viên, hoàn thành sớm hơn 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, đồng thời là Đảng bộ tỉnh đầu tiên trong khu vực Tây Nguyên hoàn thành công tác xóa “trắng” thôn, làng, tổ dân phố chưa có Đảng viên và tổ chức Đảng, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Riêng 9 tháng năm 2015, toàn Đảng bộ tỉnh kết nạp được 1.641 Đảng viên mới Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 22 Đảng bộ trực thuộc, với 989 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và gần 46.000 Đảng viên.
Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ tỉnh Gia Lai đã quan tâm chỉ đạo kết nạp Đảng viên đối với đồng bào các tôn giáo theo Quy định số 123-QĐ/TW của Bộ Chính trị. Đến nay, toàn Đảng bộ tỉnh có 560 Đảng viên là người có đạo. Việc kết nạp Đảng viên là người có đạo được các cấp ủy thực hiện đảm bảo đúng phương châm, tiêu chuẩn, nguyên tắc, thủ tục quy định. Những đơn vị làm tốt công tác phát triển Đảng viên là người có đạo là Đảng bộ huyện Đak Đoa, Chư Pưh, Krông Pa, Mang Yang, TP. Pleiku, thị xã Ayun Pa…
Trong thời gian tớ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy sẽ tiếp tục tham mưu cho Thường trực và Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác tạo nguồn phát triển Đảng viên, không để xảy ra tình trạng “tái trắng” Đảng viên, tổ chức Đảng ở thôn, làng, tổ dân phố. Các chi bộ thôn, làng, tổ dân phố còn ít Đảng viên (từ 3 đến 8 đảng viên) cần đặt mục tiêu tăng cường công tác phát triển Đảng viên để có Đảng viên là người tại chỗ của thôn, làng, tổ dân phố đó, phấn đấu có chi ủy để chi bộ thực sự phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, đảm bảo chi bộ là hạt nhân lãnh đạo chính trị ở cơ sở, gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Qua đó góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, xây dựng thôn, làng, tổ dân phố, các tổ chức trong hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.