Nhặt rác biển chế đồ trang trí đẹp mắt, chàng trai xứ Quảng kiếm 20 triệu/tháng
Cách đây hơn 3 năm, trong những lần lang thang nhặt rác ở bãi biển An Bàng, anh Hồ Công Thắng (sinh năm 1988, Quảng Nam) đã nảy ra ý tưởng tái chế rác thành những vật dụng trang trí, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng.
Anh Thắng kể, trước đây anh từng lao động tại Nhật Bản, sau khi về nước, anh làm thợ cơ khí. Những ngày rảnh rỗi, anh lang thang dạo biển An Bàng và nhặt rác. Lúc đầu anh cho hết vào thùng rác nhưng sau đó anh thấy có nhiều cái vẫn dùng được, nếu vứt đi thì rất phí như gốc cây, đôi dép, phao, chai nhựa, thuỷ tinh, dây thừng… chính vì thế anh gom hết về nhà.
Bồn rửa tay được anh Thắng tái chế từ phao neo lưới dạt bãi biển |
“Lúc đầu hàng xóm, gia đình cũng thắc mắc không biết mình làm cái gì mà cứ đi lượm rác về đầy nhà, làm cái gì kỳ kỳ, lạ lạ, thấy đục đẽo suốt ngày mà không thấy tiền đâu”, anh Thắng cười nói.
Vốn có óc sáng tạo, đôi bàn tay khéo léo nên những thứ bỏ đi bỗng được anh biến thành đồ trang trí đẹp mắt, hữu ích như chậu trồng cây, hộp đựng bút, bồn rửa tay…
Ban đầu anh Thắng anh chỉ nghĩ làm chơi cho vui, dành tặng cho bạn bè. Tuy nhiên, sau đó có nhiều người khen đẹp, liên hệ hỏi mua nên anh Thắng bắt tay vào làm nhiều hơn và từ đó anh chuyển từ nghề cơ khí sang tái chế đồ cũ để bán.
Một sản phẩm do anh Thắng sáng tạo: Cá thu chai nhựa được làm từ khung sắt, lưới đánh cá cũ, miệng cá từ tấm nhựa nhặt rác và mắt cá làm từ phao neo lưới dạt bãi biển |
Anh Thắng chia sẻ, trước đây công việc cơ khí của anh cạnh tranh, thu nhập không ổn định. Còn bây giờ, nhờ tái chế rác, thu nhập mỗi tháng của anh khoảng 20 triệu đồng. Hiện tại anh là ông chủ của xưởng tái chế và có một không gian giới thiệu, trưng bày sản phẩm tại Đà Nẵng.
“Nghề tái chế này mỗi sản phẩm là duy nhất, không đụng hàng với ai cả, nguyên liệu sản xuất thì gần như miễn phí. Đặc biệt, công việc này còn góp phần bảo vệ môi trường”, anh Thắng cho hay.
Anh Hồ Công Thắng làm việc tại xưởng tái chế của mình |
Về nguyên liệu sản xuất, ngoài việc anh thường xuyên lượm rác, gom đồ bỏ đi thì có rất nhiều người sau khi biết công việc anh làm đã mang đến tận nhà để cho.
“Các khách Tây, các quán bar họ đến mua chai trồng cây còn mang theo cả chai thuỷ tinh, chai nhựa đến cho mình”, anh Thắng nói.
Lốp xe, chai thuỷ tinh bỏ đi được bàn tay anh Thắng 'nhào nặn' thành chậu trồng cây xanh |
Mỗi sản phẩm tái chế hiện có giá bán từ 12.000 đồng đến vài triệu đồng. Khách hàng của anh khá đa dạng như trường học, home stay, nhiều khách hàng từ khắp các tỉnh thành cũng liên hệ đặt mua.
Anh Thắng cho biết, ngoài làm việc tại xưởng, hiện nay anh còn nhận đặt hàng các công trình, dự án bảo vệ môi trường, làm như cá, chim cánh cụt… ăn rác đặt tại các bãi biển ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hoá, Đà Nẵng, Hội An….
Khuyên tai được làm từ gỗ palet kê hàng bỏ đi hoặc các gỗ vụn từ xưởng gỗ. |
Nói về dự định tương lai, anh Thắng cho biết sẽ tiếp tục phát triển xưởng sản xuất đồ tái chế; mở các lớp học nhỏ để chia sẻ, hướng dẫn cách làm đồ tái chế từ những đồ thừa, đồ bỏ đi trong chính gia đình. Anh hi vọng sẽ truyền cảm hứng sống xanh cho nhiều người, nhằm hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường.
Một số sản phẩm do anh Thắng tái chế từ đồ bỏ đi thành đồ trang trí đẹp mắt:
Chậu trồng cây cảnh bằng những thanh gỗ vụn được trang trí lạ mắt |
Ngôi nhà gỗ tí hon |
Nhờ bàn tay khéo léo, óc sáng tạo, anh Thắng đã biến đồ bỏ đi thành vật trang trí, hữu ích |
Mỗi sản phẩm có giá chỉ vài chục nghìn đồng |
Nhờ tái chế đồ bỏ đi, mỗi tháng thu nhập của anh Thắng trung bình khoảng 20 triệu đồng và công việc này còn góp phần hạn chế rác thải ra môi trường |
Hà An
Từ thanh niên ham chơi thành thạc sĩ tài chính, ông chủ trung tâm dạy guitar lớn ở Hà Nội
Học ngành tài chính nhưng chàng trai 9x Phạm Bá Thành lại chọn con đường âm nhạc để gắn bó. Hiện anh có 6 trung tâm dạy guitar với hơn 5.000 học viên, được đánh giá đông Top 1 ở Hà Nội và có xưởng sản xuất đàn guitar chất lượng cao.