Nhật Bản thắng Việt Nam 1- 0: Bài học từ “chiếc giày nhỏ”
Nhật Bản thắng Việt Nam 1- 0: Bài học từ “chiếc giày nhỏ”
Tinh thần võ sĩ đạo
Nếu chỉ so sánh kết quả thua 1-4 của Việt Nam trước Nhật Bản tại VCK Asian Cup 2007 trên SVĐ Mỹ Đình, với cách biệt thua 0-1 tối qua (7.10), thì không ít người có thể lạc quan với diện mạo của đội tuyển dưới thời HLV Goetz. Nhưng sự lạc quan đó do đâu mà có nếu không phải chính các tuyển thủ xứ sở hoa anh đào mang tới?
Việt Nam (áo đỏ) thua Nhật Bản. Ảnh tư liệu |
Một SVĐ chật kín khán giả đủ để Công Vinh, Thành Lương, Trọng Hoàng, Tấn Tài… cảm thấy họ được tiếp đón nồng hậu. 15-20 phút đầu được “ra đòn” trước, đủ để tuyển Việt Nam có cơ hội làm “nóng”, quên đi sức ép từ các khán đài khi phải chơi trên sân khách. Những cơ hội mang tên Trọng Hoàng, Công Vinh (đều bị thủ môn Nishikawa thể hiện tài năng hóa giải) đầu hiệp 2, cũng đủ để tuyển Việt Nam không có cảm giác thẹn thùng khi rời sân ra về. Không ngoa khi cho rằng “những võ sĩ đạo” đã biết cách đưa bàn tay, tôn trọng nâng đối thủ dậy. Hành động đó khiến cho chiến thắng của tuyển Nhật Bản có ý nghĩa hơn nhiều. Họ đã chứng minh cho tất cả thấy đẳng cấp thực sự giữa hai đội bóng không phụ thuộc vào sự chênh lệch giữa hai con số khô khan hiện trên bảng kết quả.
Nghệ thuật sắp đặt
Nhìn cách các học trò HLV Zaccheroni chơi bóng, có cảm giác như mọi thứ đều nằm trong tính toán của họ. Bàn thắng duy nhất của trận đấu giữa hiệp 1 mang đầy dáng dấp của nghệ thuật sắp đặt. Chứng kiến 90 phút đọ sức tối qua giữa Nhật Bản - Việt Nam, nhiều người sẽ nhận ra một điều thú vị: Trên sân bóng, không quan trọng “giày của ai to hơn”, mà cầu thủ có biết “chọn giày” vừa cỡ để phát huy hết sức mạnh đôi chân hay không? Vào đúng thời điểm tuyển Việt Nam hào hứng hướng lên phía trước nhất, cũng là lúc HLV Goetz chấp nhận vỗ tay đứng nhìn bàn thua. Đường chọc khe của thủ lĩnh Hasebe quá hoàn hảo để Fujimoto bứt tốc băng xuống loại bỏ toàn bộ hàng thủ của đối phương bên cánh phải, trước khi “dọn cỗ” cho Tadanari lập công.
Một pha bóng có sự kết hợp đầy đủ giữa sự lãng mạn của người Brazil (cựu danh thủ Brazil Zico từng làm HLV trưởng Nhật Bản), sự khoa học, chuyên nghiệp của chính người Nhật Bản và tính tổ chức của người Italia (HLV Zaccheroni hiện tại). Chỉ trong một trận đấu cũng đủ để thấy ý đồ, cách làm bóng đá xuyên suốt, có tầm nhìn xa của Nhật Bản. Tại sao trong quá khứ, những ngoại binh được nhập quốc tịch Nhật Bản đều phải trải qua 7-10 năm “thử thách”, và phần lớn trong số đó đều là người Brazil như Ramos, Lopez, Alex? Tiền đạo quen mặt nhất đối với người hâm mộ Việt Nam là Alex phải mất 7 năm (1994 đến 2001) mới được nhập quốc tịch Nhật Bản sau khi đã phát biểu: “Cách tư duy, thói quen sinh hoạt, ăn uống của tôi đều đậm chất Nhật Bản”.
Trên khía cạnh đó, sai lầm lớn của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua là đã quá dễ dàng, thoải mái trong việc tiếp nhận “chất ngoại”. Các CLB phải mất rất nhiều tiền để những ngoại binh biết đá bóng nhưng chỉ biết nói vài câu tiếng Việt xã giao đồng ý nhập tịch, thay vì phải làm cho họ tự nguyện nhập tịch, vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Đến đây, vấn đề cần giải quyết không phải là có nên trao cơ hội cho ngoại binh nhập tịch ở ĐTQG hay không, mà là phải có những tiêu chí khắt khe như thế nào để nhập tịch cầu thủ ngoại? Đến cả một đất nước giàu tinh thần tự tôn như Nhật Bản còn đi theo con đường ấy, tại sao Việt Nam lại không? Mừng là nhân dịp sang Nhật Bản giao hữu, lãnh đạo VFF đã đi học hỏi cách làm bóng đá của nước bạn. Hy vọng các tuyển thủ Việt Nam cũng nhận ra khoảng cách về đẳng cấp giữa hai đội bóng với tinh thần học hỏi, chứ không quan tâm tới kết quả thua 0-1. Đương nhiên, Ban huấn luyện đội tuyển Việt Nam cần rút kinh nghiệm sâu sắc về tấm thẻ vàng thứ hai rất không cần thiết của trung vệ Chí Công cuối trận (?!).
Theo Dân Việt