Nhập khẩu điện thoại di động: Không dễ lách luật
Nhập khẩu điện thoại di động: Không dễ lách luật
Điện thoại di động được nhập khẩu qua cảng Hải phòng, Đà Nẵng, TP.HCM - Nguồn ảnh: internet |
Doanh nghiệp kêu vướng
Theo Thông báo 197/TB-BCT của Bộ Công thương, từ ngày 1/6/2011, rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động chỉ được nhập khẩu qua 3 cảng biển quốc tế là Hải Phòng, Đà Nẵng và TP.HCM. Thông báo 197/TB-BCT cũng yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải xuất trình Giấy chỉ định hoặc ủy quyền là nhà phân phối, nhà nhập khẩu của chính hãng sản xuất, kinh doanh hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh mặt hàng đó.
Ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Viễn thông An Bình (ABTel) cho biết, Thông báo 197/TB-BCT đã khiến tốc độ nhập hàng của ABTel bị chậm lại. Do cửa khẩu hải quan quá xa, khâu vận chuyển hàng về Công ty bị chậm, hàng hóa bị ùn tắc tại cửa khẩu khiến thủ tục thông quan gặp khó khăn, kéo dài. Việc nhập khẩu hàng mẫu cũng gặp nhiều khó khăn, vì để không bị ngấm mặn, hoặc bị ẩm do ảnh hưởng của nước biển, các lô hàng quá nhỏ cũng phải đóng gói thành kiện. Đóng kiện nhỏ, thì dễ thất lạc, còn đóng kiện to, thì phí vận chuyển cao, rất lãng phí. Thêm vào đó, thời gian vận chuyển hàng mẫu bằng đường thủy cũng rất lâu so với đường hàng không, gây khó khăn cho doanh nghiệp về tiến độ làm chứng nhận hợp quy và xác nhận chất lượng với nhà cung cấp trước khi nhập hàng.
Trước những khó khăn này, ông Minh kiến nghị, Bộ Công thương nên xóa bỏ Thông báo 197/TB-BCT, hoặc cho phép làm thủ tục thông quan tại các kho ngoại quan trong nội địa để giảm tải áp lực cho cửa khẩu tại các cảng và cho phép nhập khẩu hàng mẫu bằng đường hàng không.
Một doanh nghiệp bán lẻ điện thoại di động lớn cũng cho biết, khi Thông báo 197/TB-BCT chưa có hiệu lực, nếu cần nhập khẩu hàng, doanh nghiệp chỉ cần đặt trước 1 tháng, nhưng sau khi thông báo này có hiệu lực, thời gian được tăng lên thành 1,5 tháng. Cũng theo doanh nghiệp này, việc hạn chế nhập khẩu điện thoại di động có thể làm tăng giá bán lẻ điện thoại di động trên thị trường và làm gia tăng tình trạng buôn lậu điện thoại di động, nhất là các sản phẩm đầu cuối của những thương hiệu điện thoại tên tuổi trên thế giới.
Lách luật sẽ bị xử phạt nặng
Sau khi Bộ Công thương ban hành Thông báo 197/TB-BCT, Tổng cục Hải quan đã nhận được hơn 10 công văn nêu vướng mắc của doanh nghiệp và các cục hải quan các tỉnh trong thực hiện thông báo trên. Và sau nửa tháng thực hiện thông báo này, Hải quan TP.HCM đã gửi văn bản tới Tổng cục Hải quan, cảnh báo về khả năng một số doanh nghiệp chuyển sang nhập khẩu linh kiện điện thoại di động thay vì nhập khẩu điện thoại nguyên chiếc để lách quy định. Trong văn bản này, Hải quan TP.HCM nhận định, số linh kiện này thực chất là điện thoại di động tháo rời.
Giám đốc một doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại di động cũng thừa nhận, khả năng doanh nghiệp lách quy định bằng cách tháo rời điện thoại, nhập khẩu dạng linh kiện về Việt Nam lắp ráp qua đường hàng không, hoặc đường bộ là rất dễ xảy ra. Bởi nếu thực hiện đúng Thông báo 197/TB-BCT, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối sẽ “hết đường làm ăn”.
Trả lời về danh tính những doanh nghiệp nhập khẩu điện thoại di động có dấu hiệu “lách luật”, đại diện Cục Hải quan TP.HCM cho biết, cơ quan này đang trong quá trình kiểm tra làm rõ, nên chưa thể công bố danh tính. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo, nếu không muốn gặp rắc rối, các doanh nghiệp phải thực hiện đúng Thông báo 197/TB-BCT của Bộ Công thương.
Trước đó, Hải quan TP.HCM cũng đã đề nghị Tổng cục Hải quan áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt các lô hàng linh kiện điện thoại di động nhập khẩu. Cụ thể, kiểm tra chặt từng phụ tùng linh kiện nhập khẩu như mặt trước, mặt sau, thân máy, pin, cục sạc, tai nghe, hộp đựng...
Ông Trần Văn Hội, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.Hải Phòng cũng khuyến cáo, trường hợp doanh nghiệp tìm cách gian lận trong nhập khẩu điện thoại di động, khi cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện thấy sẽ bị xử phạt rất nặng.
Thực tế, khối lượng điện thoại trôi nổi trên thị trường nước ta hiện rất lớn, đe dọa đến quyền lợi người tiêu dùng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2010, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của cả nước đạt khoảng 936 triệu USD. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc chiếm gần 85% và hầu hết đều nhập khẩu qua trung gian, không nhập trực tiếp từ các hãng sản xuất. Không những thế, lượng điện thoại di động nhập lậu cũng rất lớn. Mới đây, hải quan cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) đã phát hiện một đường dây vận chuyển điện thoại di động (nhãn hiệu HTC do Đài Loan sản xuất và các loại Iphone 4 sản xuất tại Mỹ) nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam tiêu thụ. Nhiều dấu hiệu cho thấy, đây là đường dây vận chuyển chuyên nghiệp và đã hoạt động từ lâu.
Rõ ràng, siết lại nguồn gốc xuất xứ của hàng nhập khẩu để bảo vệ người tiêu dùng là việc làm cần thiết, không chỉ riêng với mặt hàng điện thoại di động.
Theo ĐT