Nhà vật lý Stephen Hawking: Hố đen có cửa hậu
Trong buổi hội thảo tại Đại học Havard, Mỹ tối hôm 19/4, nhà vật lý người Anh khẳng định các hố đen có một "cửa hậu" và chúng "không phải là các nhà giam vĩnh cửu như ta lầm tưởng", theo Mirror.
Ông từng công bố điều này khi công bố lý thuyết mới nhất tại hội thảo chuyên ngành ở Stockholm, Thụy Điển vào tháng 8/2015.
Cho đến nay, các "lỗ sâu" (wormhole) vẫn được coi là cánh cửa kết nối với các chiều không gian khác. Người ta cũng cho rằng ở tâm hố đen, hấp dẫn rất lớn sẽ nén toàn bộ vật chất trong đó. Thông tin (như vật chất di truyền ADN) đã đi vào hố đen là không thể thoát ra. Đây là nơi mà các định luật chuẩn của vật lý không thể áp dụng.
Hố đen có thể dẫn đến một thế giới khác. (Ảnh: NASA). |
Nhưng theo Hawking, các thông tin này phải thoát đi đâu đó, hoặc sang các chiều không gian mới, hoặc đi theo hố đen rồi thoát ra khi tới rìa bên kia hố đen dưới dạng hình ảnh ba chiều của chính nó.
Đây là nơi mà "bức xạ Hawking" - vật chất ra khỏi hố đen, được đặt theo tên nhà vật lý, kết thúc. Trong một bài viết trên blog, nhà vật lý cho biết "sự tồn tại các lịch sử khác nhau của hố đen cho thấy lý thuyết này có thể đúng".
Các nhà vật lý đã phân loại ba loại hố đen theo kích thước. Loại nhỏ nhất, có kích thước nguyên tử nhưng nặng như một ngọn núi, được cho là hình thành cùng với vũ trụ. Loại thứ hai hình thành khi một ngôi sao lớn sụp đổ lên chính nó, sinh ra siêu tân tinh. Loại thứ ba là các hố đen siêu nặng, có khối lượng tương đương hàng triệu ngôi sao, được cho là hình thành cùng thời điểm hình thành thiên hà.
"Các hố đen cần phải có kích thước lớn, và nếu nó xoay, nó có thể dịch chuyển chúng ta sang một vũ trụ khác. Nhưng bạn không thể trở lại vũ trụ này", theo Hawking.
Giáo sư Hawking muốn thay đổi các định kiến tiêu cực của con người về hố đen. Vào đầu năm 2016, ông còn nêu ý tưởng khai thác năng lượng phục vụ toàn bộ xã hội loài loài người từ một hố đen có kích thước tương đương một ngọn núi.
Theo VnExpress