Nhà thu nhập thấp cũng "ăn gian", "móc túi" dân nghèo
Không chỉ có những người dân mua nhà tại các dự án chung cư thương mại bị thiệt hại khi phải trả thêm tiền cho những cái cột, hộp kỹ thuật mà ngay cả những người dân nghèo cũng bị trả “oan” khi mua nhà tại các dự án nhà thu nhập thấp.
Theo tìm hiểu của PV Infonet tại một số dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Nội như khu đô thị mới Đặng Xá (Gia Lâm), khu đô thị Sài Đồng (Long Biên)… diện tích sàn căn hộ chung cư mua bán đều được chủ đầu tư tính theo kích thước tim tường, phủ bì.
Hợp đồng mua bán của các dự án nói trên có quy định cụ thể: Diện tích sàn căn hộ tính theo kích thước từ tim tường chung và tường bao ngoài giữ căn hộ và hành lang, lối đi, mặt ngoài của căn hộ, cộng với diện tích ban công, lô gia.
Dự án nhà ở thu nhập thấp ở khu đô thị Sài Đồng (Hà Nội). Ảnh: Minh Thư |
Trên thực tế tại một số dự án nhà ở thương mại đã xảy ra tranh chấp về cách tính diện tích chung cư, sau khi người dân thuê đơn vị đo đạc thì trung bình mỗi căn hộ phải thanh toán khoảng 8-10%, thậm chí có dự án lên tới 15% diện tích sở hữu chung.
Như vậy, nếu lấy mức trung bình 10% diện tích sở hữu chung tại mỗi căn hộ ở các dự án nhà thu nhập thấp thì với căn diện tích nhỏ nhất là 45m2 thì diện tích bị tăng thêm khoảng 4 m2. Còn với căn diện tích rộng nhất xấp xỉ 70m2 thì người dân cũng sẽ phải trả “oan” cho khoảng 7 m2 diện tích sở hữu chung.
Tính ra, tại dự án nhà thu nhập thấp có giá bán thấp nhất ở Hà Nội hiện trên 8 triệu đồng/m2 thì với căn diện tích nhỏ nhất người mua nhà cũng phải trả “oan” khoảng trên 34 triệu đồng, còn với những căn rộng xấp xỉ 70m2 thì con số thiệt hại ít nhất cũng là 60 triệu đồng.
Đấy là chưa kể tại những dự án người mua nhà còn phải mua với giá cao hơn là trên 13 triệu đồng/m2 như dự án ở khu đô thị Sài Đồng thì số tiền người mua nhà phải trả cho những phần sở hữu chung có thể lên tới cả trăm triệu đồng đối với những căn hộ có diện tích lớn nhất.
Với những người nghèo, người có thu nhập thấp thì số tiền đó là không hề nhỏ.
Những dự án nhà ở thu nhập thấp là chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho những đối tượng ưu tiên nhưng vô tình, chính Thông tư 16/2010/TT-BXD của Bộ Xây dựng quy định cách tính diện tích tim tường đã khiến người nghèo cũng bị “móc túi” thêm từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng đối với mỗi căn hộ.
Những thiệt hại từ Thông tư 16 của Bộ Xây dựng đối với những người mua nhà tại dự án nhà ở thương mại và cả những dự án nhà thu nhập thấp là không nhỏ.
Thế nên, đã có nhiều ý kiến của các chuyên gia lên tiếng: “Dù lý lẽ thế nào cũng không thể xóa bỏ một thực tế kéo dài nhiều năm nay, là người dân đã phải bỏ ra số tiền rất lớn để trả cho diện tích tường nhà, hộp kỹ thuật, diện tích sử dụng chung… xuất phát từ chính văn bản của Bộ Xây dựng. Do vậy, Bộ Xây dựng nên báo cáo Chính phủ để đề xuất một phương án bù đắp thiệt hại cho người dân xuất phát từ Thông tư 16 do Bộ ban hành”.
Trả lời phỏng vấn báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Trần Việt Hùng cho rằng, "việc Bộ Xây dựng cho rằng cách tính diện tích nhà ở bao gồm cả tường và hộp kỹ thuật mà cơ quan này ban hành trên cơ sở “tham khảo” các nước khác, như quy định tại Khoản 2 Điều 21 Thông tư 16/2010/TT-BXD vẫn không sai, là cố tình lẩn tránh trách nhiệm trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trái luật".
"Người mua nhà hoàn toàn có thể đòi lại số tiền mà họ đã phải bỏ ra để mua cả diện tích sử dụng chung là tường nhà, hộp kỹ thuật. Vì, theo Điều 70 Luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà không được sở hữu diện tích thuộc sở hữu chung nên diện tích đó không được tính vào diện tích nhà ở.
Đối với cách tính diện tích nhà ở theo hướng dẫn tại Điều 21 Thông tư 16 thì người mua có thể yêu cầu tuyên bố điều khoản về diện tích trong hợp đồng mua bán là vô hiệu do điều khoản này trái với Luật Nhà ở", luật sư Trần Việt Hùng khẳng định.