Nhà sưu tầm tranh Vũ Xuân Chung: “Vàng thật không sợ lửa”
Từ ngày 10/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc triển lãm “Những bức tranh trở về từ châu Âu”, với 17 tác phẩm được giới thiệu là của các họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương (1924 - 1945) nổi tiếng như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Tỵ thuộc bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung. Triển lãm không chỉ mang tầm vóc quy mô như tên gọi của chủ để, mà nó còn nhận được nhiều phản hồi cho rằng có đến 15/17 tranh là giả.
Nghi vấn tranh giả xuất hiện trong sự kiện này bắt nguồn từ những thông tin và hình ảnh được giới thiệu trước đó khi giới chuyên môn và người yêu tranh nhận định có những hình ảnh, đường nét không giống với các tác phẩm đã được giới mộ điệu biết đến.
Nhà sưu tập tranh Vũ Xuân Chung đã lên tiếng phản ứng trước việc Bảo tàng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh quyết định tạm giữ 17 bức tranh trong bộ sưu tập “Những bức tranh trở về từ châu Âu” để chờ kết luận điều tra của cơ quan chức năng liên quan đến vấn đề tác quyền.
Trước đó, 8h30’ ngày 19/7, Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc họp với các nhà quản lý, các chuyên gia mỹ thuật để trao đổi xung quanh những vấn đề gây tranh cãi về cuộc triển lãm.
![]() |
Nhà sưu tập Vũ Xuân Chung (bên trái) và ông Jean-François Hubert. |
Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh thông báo kết luận và kiến nghị của cuộc họp như sau: “15 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung đang triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh là không phải bản vẽ do tác giả đứng tên thực hiện. Hai bức tranh trong Bộ sưu tập này là mạo danh chữ ký tác giả (HS.Tạ Tỵ và HS.Sỹ Ngọc). Tạm giữ tất cả 17 bức tranh thuộc Bộ sưu tập của ông Vũ Xuân Chung để phục vụ công tác điều tra. Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý và sớm có kết luận cho vấn đề này”.
Trao đổi với chúng tôi, nhà sưu tập Vũ Xuân Chung, chủ nhân cuộc triển lãm khẳng định, tất cả số tranh của ông đều là tranh thật, được mua của ông Jean-François Hubert, người Pháp, chuyên gia cao cấp về nghệ thuật Việt Nam và châu Á của Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong và có đầy đủ giấy tờ hợp pháp.
Ông Chung phân trần: “Tôi tổ chức cuộc triển lãm chỉ mong muốn thế hệ mai sau được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật quý giá của cha ông. Qua đó hiểu và yêu thêm truyền thống văn hóa Việt. Thế nên tôi chẳng dại gì mang tranh giả ra trưng bày. Hãng đấu giá Christie’s Hong Kong là trung tâm uy tín tầm thế giới, có đủ khả năng thẩm định tranh thật giả”.
![]() |
Giấy tờ chứng minh độ xác thực của các tác phẩm? |
Về việc các bức tranh trong bộ sưu tập bị cho là giả mạo, ông Chung nhấn mạnh “Tôi sẵn sàng chịu mọi chi phí để đưa toàn bộ tranh ra thẩm định ở những trung tâm uy tín trên thế giới như Pháp, Hong Kong. Ở Việt Nam chưa có đủ điều kiện và trình độ để thẩm định chính xác độ thật giả của các bức tranh quý. Trong lúc chưa có kết luận từ cơ quan điều tra đã nói tranh của tôi giả là sai quy trình. Tôi khẳng định mình là “vàng thật nên không sợ lửa”. Nhà sưu tập cho biết, sẵn sàng làm việc với cơ quan chức năng để sớm làm sáng tỏ vấn đề, trả lại sự trong sạch cho bản thân.
Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Trịnh Xuân Yên, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Trong kết luận có nói đến việc giam tranh nhưng đó là đề xuất của hội đồng, chứ không phải là của Bảo tàng. Bảo tàng sẽ làm việc với bên an ninh, thanh tra sở Văn hóa – Thể thao, cục An ninh thông tin - truyền thông (A87)… để các cơ quan chức năng này ra quyết định tạm giữ hay không giữ bộ sưu tập. Bảo tàng đã làm các công việc là báo cáo với các cơ quan chức năng về vụ việc này rồi, giờ đang chờ quyết định của các cơ quan có đủ thẩm quyền”.
Như vậy, để có kết luận về độ xác thực của bộ sưu tập “Những tác phẩm trở về từ châu Âu” cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan, ban ngành khác nhau. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc thông tin mới nhất về vụ việc.