Nhà phao - cứu cánh của người dân nghèo vùng lũ ở Hà Tĩnh
Là địa phương hằng năm hứng chịu nhiều thiệt hại bởi thiên tai, bão lũ, Hà Tĩnh đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo, trong đó có nhà chống lũ, giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.
Ngôi nhà vượt lũ kiên cố của người dân xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê. |
Trong các đợt mưa lũ vừa qua, hàng ngàn ngôi nhà tại các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) bị ngập sâu trong nước, nhiều tài sản, vật nuôi bị lũ cuốn trôi. Nhờ thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" và triển khai mô hình nhà chống lũ nên đã hạn chế được thiệt hại về người.
Nhà chống lũ có 2 loại, đó là nhà kiên cố và nhà phao. Với loại hình nhà kiên cố thì chỉ những gia đình có điều kiện kinh tế mới thực hiện được, bởi chi phí tương đối lớn, thường trên 150 triệu đồng.
Với kinh phí từ 30 đến 40 triệu đồng, nhiều gia đình tại vùng lũ đã chọn làm nhà phao để tránh lũ theo kiểu cố định hoặc di động.
Nhà phao cố định được hàn bằng khung sắt để kết những thùng phuy lại với nhau. Kiểu nhà này được cố định bằng những chiếc trụ bê tông cốt thép, có chức năng giữ và cố định nhà phao dù nước lũ dâng cao và chảy xiết. Độ cao của những chiếc cột này thường được làm cao hơn đỉnh lũ lịch sử trước đó.
Nhà phao chống lũ được thiết kế đơn giản, chi phí xây dựng phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nông thôn. |
Một số hộ dân, do điều kiện kinh kế khó khăn hoặc diện tích chật hẹp nên phù hợp với nhà phao di động. Khi mưa lũ đến thì tiến hành lắp ráp, hết mưa lũ họ lại tháo rời các bộ phận ra. Với những ngôi nhà phao này chi phí ít hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của đại đa số người dân ở nông thôn.
Khi lũ lụt đến, những đồ dùng thiết yếu được cho lên nhà phao. Nếu nhà lớn có thể chứa được cả người và gia súc trong quá trình lũ lụt.
Ông Nguyễn Văn Vinh (xã Điền Mỹ, huyện Hương Khê) cho biết, gia đình ông sinh sống ở đây từ bao đời nay; năm nào ít cũng trải qua 3 trận lũ, nhẹ thì nước ngập đến cửa sổ, nặng thì ngập tận nóc nhà. Trận lũ lịch sử năm 2010, nước ngập băng hết thảy, may còn giữ được mạng sống, còn tài sản vật nuôi đều trôi theo dòng nước. Năm 2014, gia đình ông quyết định vay tiền để làm nhà chòi chống lũ. Từ đó đến nay, khi mùa mưa lũ đến, toàn bộ đồ dùng thiết yếu được chuyển lên trên chòi, không phải lo nghĩ gì nữa.
Còn bà Trần Thị Quý (xã Tân Lâm Hương, huyện Thạch Hà) chia sẻ, trận lũ vừa qua, nước dâng lên rất nhanh khiến cả làng đều bị ngập sâu. Rất may đã làm được chòi tránh lũ nên không chỉ là nơi trú ẩn cho gia đình mà còn là nơi trú tránh cho hơn 10 người trong làng.
Trần Hoàn