Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
Hãy nói về Biển Đông với người trẻ (Bài 2):
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Nên thành lập “Hội nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông”
Tham gia bàn luận về vấn đề "tuyên truyền cho Biển Đông”, Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy, nguyên Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, TQ đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Infonet.
>> Hãy nói về Biển Đông với người trẻ (Bài 1)
Nhà nghiên cứu Trung Quốc Dương Danh Dy đang trao đổi với PV Infonet |
"Người dân nhận thức chưa sâu vì chúng ta chưa chú trọng tuyên truyền"
Thưa ông, tình hình Biển Đông đang ngày càng thu hút sự chú ý của người dân trong nước và cộng đồng quốc tế. Theo ông nhận thức của người dân Việt Nam, cộng đồng Quốc tế và người Trung Quốc đã đầy đủ, đúng bản chất vấn đề Biển Đông hay chưa?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Thực tế, một thời gian dài chúng ta chưa chú ý đến vấn đề tuyên truyền Biển Đông. Nhiều phương tiện truyền thông im hơi lặng tiếng khá lâu. Chính vì lẽ đó mà người dân còn khá thiếu thông tin về Biển Đông. Trong khi đó người láng giềng của ta - Trung Quốc lại không ngày nào, không tháng nào không có những bài về vấn đề này. Họ tuyên truyền đổ lỗi cho ta về rất nhiều vấn đề, người dân Trung Quốc, cộng đồng quốc tế hiểu sai về chúng ta trong vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề khác.
Là người nghiên cứu khá kỹ về Biển Đông, tôi biết rằng, từ những năm 1949, nước CHND Trung Hoa thành lập, Trung Quốc chưa hề có vị trí gì trên Biển Đông (ngoài đảo Hải Nam). Đến năm 1956, họ chiếm một nửa phía tây Hoàng Sa của ta trong lúc thực dân Pháp đang bàn giao cho Việt Nam Cộng hòa. Đến năm 1974, Trung Quốc lại chiếm nốt phần còn lại quần đảo Hoàng Sa của ta từ tay Chính quyền Sài Gòn cũ. Rồi đến năm 1988, chính quyền Trung Quốc chiếm 6-7 hòn đảo trên quần đảo Trường Sa của ta. Từ đó họ mới tạo cơ sở để đặt ra vấn đề “bành trướng” Biển Đông. Vậy tai sao chúng ta không công bố những điều này?
"Họ (TQ) tuyên truyền đổ lỗi cho ta về rất nhiều vấn đề, người dân Trung Quốc, cộng đồng quốc tế hiểu sai về chúng ta trong vấn đề Biển Đông và nhiều vấn đề khác". Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy |
Về cái gọi là “đường lưỡi bò” là do chính quyền Quốc dân Đảng nhắc đến nhưng chẳng ai công nhận. Nhưng trên rất nhiều phương tiện truyền thông, bằng các công cụ khác nhau, Trung Quốc đã tuyên truyền, tác động vào nhận thức nhân dân họ để “biến không thành có”. Lẽ ra chúng ta phải vạch trần những điều này cho dân ta hiểu, cho cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc hiểu.
Nhiều năm qua chúng ta chưa chú trọng đến vấn đề tuyên truyền nên bản chất về Biển Đông và hình ảnh nhân dân ta đang bị giới cầm quyền Trung Quốc làm cho méo mó. Nhận thức về Biển Đông với cộng đồng quốc tế và người dân trong nước chưa được đầy đủ, chưa sâu. Tôi nghĩ đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh vấn đề tuyên truyền và phải tuyên truyền "có bài có bản" để hình ảnh chân thực nhất về Biển Đông đến được với người dân trong nước, người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế và người dân Trung Quốc.
"Tuyên truyền phải có bài bản và có chiến lược lâu dài"
Vậy theo ông, chúng ta cần có chương trình tuyên truyền bài bản và có tầm về vấn đề Biển Đông?
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy: Đúng thế! Vấn đề tuyên truyền cho Biển Đông là vấn đề lâu dài, không phải là vấn đề phong trào, làm trong một thời gian rồi thôi mà phải liên tục, có cách, có chiến lược. Nói thật, hiện nay chúng ta tuyên truyền chưa có bài có bản, có gì nói đấy, hết cái mới lại dừng, rộ lên rồi lại thôi. Ví dụ như vụ các học giả Trung Quốc, Biên tập viên Tân hoa xã nói về sự đuối lý của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”, chúng ta rầm rộ lên nhưng sau đó im lặng. Nếu tôi là phóng viên tôi phải cho người Việt Nam hiểu rằng, những con người ấy rất đáng quý nhưng “hiếm” vì dưới luận điệu của Trung Quốc những người có tầm nhận thức như vậy khá ít. Phải cho dân biết để dân không ảo tưởng về nhận thức của nhân dân Trung Quốc mà không ngừng tự tuyên truyền cho người dân mình, tuyên truyền cho cộng đồng quốc tế về bản chất của vấn đề Biển Đông.
"Vấn đề tuyên truyền cho Biển Đông là vấn đề lâu dài, không phải là vấn đề phong trào, làm trong một thời gian rồi thôi mà phải liên tục, có cách, có chiến lược. Nói thật, hiện nay chúng ta tuyên truyền chưa có bài có bản, có gì nói đấy, hết cái mới lại dừng, rộ lên rồi lại thôi". Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy |
Ngoài ra cần có những học giả uyên thâm, hiểu biết sâu rộng về Trung Quốc để liên tục ứng đối, chỉ ra cái sai, cái đuối lý của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Thực ra Trung Quốc họ rất sợ bị chỉ ra những điểm yếu, cái sai, sự đuối lý của họ. Nhưng những người dám phê phán cái sai của Trung Quốc phải là người có dũng khí và lòng yêu nước. Tôi kể một chuyện thế này, khi tôi về hưu, liên tục hơn 10 năm, năm nào họ cũng mời tôi đến dự 3 ngày khánh tiết của họ nhưng năm 2009, tôi công khai viết bài lên án những cái sai trái của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông thì họ tỏ thái độ với tôi rất rõ ràng. Từ năm 2010, họ không mời tôi dự buổi khánh tiết ấy nữa. Một số học giả khác cũng phê phán sự sai trái của Trung Quốc vẫn được họ quan tâm đều đặn. Điều này cho thấy Trung Quốc cũng đang làm chia rẽ, phân hóa những học giả yêu nước.
Ông vừa nói đến sự đuối lý của Trung Quốc, vậy theo ông Trung Quốc đang đuối lý ở chỗ nào? Chúng ta đang có chứng lý gì?
“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc là luận điệu “tầm bậy”, những điều này chẳng có chứng lý gì. Điều này thể hiện sự vô lý và ngang ngược của nước lớn. Hiện nay, chúng ta đưa tin về bản đồ của Trung Quốc, lãnh thổ của họ chỉ có đến Đảo Hải Nam, điều này là có thật. Năm 1993, khi đấy tôi làm Tổng lãnh sự quán tại Quảng Châu, đến Đảo Hải Nam, tôi đã tận mắt nhìn thấy tảng đá ghi rõ: “Chân trời góc biển”. Thực ra đây chính là sự đánh dấu lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đây thôi. Nên bản đồ mà báo chí nước ta đang đưa tin hiện nay là có cơ sở nhưng theo tôi cũng chỉ là một trong những bằng chứng tuyên truyền, còn xét về giá trị pháp lý, chúng ta có nhiều bằng chứng có giá trị cao hơn.
“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc là luận điệu “tầm bậy”, những điều này chẳng có chứng lý gì. Điều này thể hiện sự vô lý và ngang ngược của nước lớn". Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy |
Còn về chứng lý của chúng ta thì quá rõ, quá chắc chắn, cha ông chúng ta đã đặt chân đến những hòn đảo này từ xưa. Lễ khao lề thế của người dân Lý Sơn, các sắc phong từ thời Nguyễn, thời Lê cho Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa ra khơi giữ đảo, các bản đồ cổ của Việt Nam…Thời điểm, cách thức Trung Quốc chiếm cứ vùng đảo Hoàng Sa, Trường Sa…
Để nhân dân hiểu về sự đuối lý của Trung Quốc, bản chất thật sự của vấn đề Biển Đông, ông có đề xuất ý tưởng gì cho vấn đề tuyên truyền Biển Đông?
Theo tôi đầu tiên phải là tập trung thu về một mối, có cơ quan chuyên trách về vấn đề Biển Đông, thống nhất việc nghiên cứu, tuyên truyền và thực thi quyền trên Biển Đông để liên tục không ngừng nghỉ tuyên truyền cho người dân hiểu bản chất vấn đề. Nơi này phải tập trung nhân lực vật lực, những bộ óc am hiểu về Biển Đông.
Bên cạnh cơ quan nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông phải tập trung những quần chúng, những nhà nghiên cứu Biển Đông thành một tập thể có chế độ đãi ngộ thỏa đáng, có thể gọi đó là “Hội những người nghiên cứu, tuyên truyền Biển Đông” để liên tục theo dõi biến động, luận điệu về Biển Đông, đưa ra những quan điểm, phát biểu thảo luận trên báo chí để nhân dân hiểu.
Về phía cơ quan báo chí, phải có nhiều bài viết, sinh động hơn nữa ví dụ như về bản đồ Nhà Thanh ghi lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Hay những vấn đề cụ thể như Hải đội Hoàng Sa, Trường Sa, lễ khao lề thế…
Có ý kiến cho rằng cần thành lập Bảo tàng chứng lý Biển Đông đặt ngay tại Hà Nội, để cộng đồng quốc tế, khách du lịch hiểu bản chất vấn đề Biển Đông. Quan điểm của ông thế nào?
Được thế thì còn gì tốt hơn! Nếu các hình ảnh, tiêu bản chứng cứ Hoàng Sa, Trường Sa và Biển Đông được trưng bày để người dân, khách du lịch, cộng đồng quốc tế tham quan hiểu hơn về Biển Đông thì cách tuyên truyền đó là hiệu quả nhất. Thực ra, để xây bảo tàng như vậy không hề tốn so với lợi ích chủ quyền quốc gia dân tộc. Tôi rất mong mỏi điều đó được thực hiện.
Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên
(Thực hiện)