Nhà hát trăm tỷ "đắp chiếu": Huyện Đan Phượng nói gì?
Dù đã cơ bản hoàn thành song Nhà hát huyện Đan Phượng không thể đưa vào sử dụng. |
Công trình lãng phí lớn ai chịu trách nhiệm?
Thanh tra thành phố Hà Nội vừa đưa ra kết luận thanh tra đối với 14 dự án, công trình trên địa bàn với tổng mức đầu tư 1.538 tỷ đồng. Các dự án này được thực hiện từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ trên địa bàn. Trong tổng số 14 dự án, Thanh tra thành phố đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư…
Nhà hát huyện Đan Phượng do UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 117 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp tác khác. Theo kết luận thanh tra, khi chủ đầu tư phê duyệt dự án chưa có nguồn vốn bố trí và không thực hiện quy trình thẩm định vốn.
Cụ thể, Nhà hát huyện Đan Phượng phê duyệt sau khi có Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ và không thuộc dự án cấp bách, cho phép nhà thầu ứng vốn thi công xây dựng. Điều này khiến việc triển khai dự án đã vi phạm Chỉ thị số 1792 và Quyết định 37 của UBND thành phố Hà Nội về quản lý các dự án đầu tư trên địa bàn.
Theo Thanh tra thành phố, dự án xây dựng Nhà hát huyện Đan Phượng có hạng mục mua sắm thiết bị nhập khẩu. Khi lập dự án, UBND huyện Đan Phượng không thực hiện quy trình thẩm định giá thiết bị nhưng vẫn phê duyệt dự toán công trình. Điều này đã vi phạm Thông tư 04 của Bộ Xây dựng hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Mặc dù đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục, nhưng UBND huyện vẫn chưa có nguồn vốn thanh toán cho gói thầu thiết bị với giá trị 5,9 tỷ đồng và các khối lượng xây lắp hoành thành năm 2014. Thực tế này khiến công trình dù đã hoàn thành nhưng không thể bàn giao, đưa vào sử dụng được vì không có thiết bị, gây lãng phí nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Thanh tra Thành phố cũng chỉ rõ, Nhà hát huyện Đan Phượng đấu thầu trước khi có kế hoạch vốn. Trách nhiệm cụ thể việc này thuộc về huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đan Phượng và các phòng Tài chính – kế hoạch, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đan Phượng.
Chủ đầu tư nói gì?
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng, dự án được phê duyệt năm 2012 và hoàn thành vào năm 2014. Dự án được triển khai để phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhưng do thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm việc giãn, hoãn các công trình không cấp bách, dân sinh bức xúc, huyện đã rà soát toàn bộ các dự án, trong đó có nhà hát huyện. Vì thế công trình này đang tạm dừng, chờ khi nào có vốn mới tiếp tục thi công.
Chiếu theo các văn bản quy định, ông Đức cũng thừa nhận sai và nhận lỗi về việc triển khai thực hiện dự án này. Nguồn vốn dự án được triển khai bằng ngân sách huyện trích từ đấu giá đất và nguồn thu ngân sách.
“Khi triển khai dự án này rơi vào thời điểm thị trường bất động sản trầm lắng nên dự toán thu chưa chính xác, công trình không đảm bảo về vốn” – ông Đức thanh minh và cho biết đến thời điểm hiện tại, nợ xây dựng cơ bản của huyện Đan Phượng khoảng 154 tỷ, huyện đặt mục tiêu đến hết 2015 sẽ xử lý hết nợ.
Trao đổi với phóng viên về việc đầu tư một nhà hát lớn lên đến hàng trăm tỷ đồng gây lãng phí, ông Đức cho biết, theo chủ trương ban đầu, dự án là mục tiêu dài hạn của huyện. Với kỳ vọng khi kinh tế phát triển phải nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nên huyện quyết định đầu tư nhà hát.
Ông Đức cho biết, sau khi có chỉ đạo đình hoãn nhà hát huyện, khi có vốn tiếp tục đầu tư để tránh lãnh phí, Ủy ban đã giao các cơ quan chức năng nghiên cứu điều chỉnh công năng, sử dụng làm sao phát huy hiệu quả công trình. Khi có kết luận chính thức của thành phố sẽ tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các đơn vị có liên quan.
Nhà hát huyện Đan Phượng được thiết kế 3 tầng, tổng diện tích sàn trên 7.000m2, diện tích sử dụng đất hơn 10.500m2. Tổng mức đầu tư tạm tính của dự án trên 117 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2012 – 2014.