Nhà đầu tư ngoại đàm phán mua đứt GPBank
Theo một nguồn tin của Infonet, hiện một tập đoàn tài chính hàng đầu Singapore – UOB đang đàm phán và muốn mua lại GPBank. “Tất cả đang trong quá trình đàm phán nhưng có thể UOB sẽ mua lại 100% cổ phần GPBank. Vấn đề là thời gian và thương lượng giá cả bán như thế nào thôi”- nguồn tin này nói.
Phương án tái cơ cấu GPBank đang dần rõ nét |
Theo vị này, thời gian qua nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang muốn tham gia vào quá trình tái cấu trúc NH tại Việt Nam nhưng “vướng” phải những quy định chặt chẽ về tỷ lệ sở hữu tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam là 15% vốn cổ phần. Và nếu thương vụ UOB “mua lại” GPBank thành công thì đây sẽ là thương vụ đầu tiên một nhà băng nội bán lại cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện tại đã có 8/9 ngân hàng thực hiện xong quá trình cơ cấu lại, còn lại duy nhất trường hợp GPBank vẫn được cho là một ẩn số. Được biết, thời gian qua GPBank luôn nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
“Trong hoàn cảnh cần phải tái cơ cấu và sức khỏe quá “yếu” như GPBank việc bán lại 100% cho nhà đầu tư ngoại là nên làm” – ông nói thêm.
Nếu thương vụ tái cơ cấu GPBank thành công, coi như quá trình tái cơ cấu lại 9 ngân hàng yếu kém cũng như tái cấu trúc lại toàn bộ hệ thống ngân hàng đã đạt được một bước tiến quan trọng.
GPBank ngân hàng này tiền thân là Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn Ninh Bình, đã chuyển đổi thành ngân hàng thương mại cổ phần đô thị hoạt động tại Hà Nội từ ngày 7/11/2005 với tên gọi Ngân hàng Thương mại Cổ phần Toàn Cầu (G-Bank). Năm 2006 G-Bank ra mắt và công bố cổ đông chiến lược là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petro Vietnam). Năm 2007 tiếp tục đổi tên thành Ngân hàng Thương mại Cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu (GPBank). Theo báo cáo thường niên năm 2010 (năm cập nhật gần nhất), cổ đông lớn là Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư FPT với tỷ lệ sở hữu 5,84% (17,62 triệu cổ phần).
Nhìn nhận về quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng, không thể vội vàng bởi, cấu trúc lại hệ thống nhà băng tại Việt Nam liên quan chặt chẽ tới thanh khoản nền kinh tế, phá băng tín dụng, bất động sản...
Nền kinh tế khởi sắc, hồng hao hơn thì quá trình này cũng sẽ "tiến" nhanh hơn. Mục tiêu của NHNN đặt ra là tới năm 2015 sẽ tái cơ cấu xong toàn bộ hệ thống ngân hàng.