Nhà báo đừng nhìn bác sĩ là người thích phong bì và vô cảm
GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng |
Đó là chia sẻ của GS. TSKH Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế tại hội thảo “Vai trò của các cơ quan báo chí trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân Thủ đô” do Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức ngày 9 và 10-6.
GS Phạm Mạnh Hùng bày tỏ: “Đối với ngành báo chí cách mạng có vai trò hết sức quan trọng. Ngành y tế hơi run khi gặp các nhà báo, tôi cho rằng cách nhìn như thế là không đúng. Bản thân tôi từng làm khoa học, từng làm chính trị (có lúc làm tay phải, có lúc làm tay trái) nên phải đứng về phía này nhìn về phía kia và ngược lại.
Đứng với tư cách nhà báo, mong các đồng chí bác sỹ đừng nhìn nhà báo là người hay soi mói. Và nhà báo đừng nhìn cán bộ y tế là những người thích phong bì, vô cảm. Giữa chúng ta phải tìm lấy mối quan hệ biện chứng với nhau. Nó ở chỗ đều nhằm xây dựng nền chăm sóc sức khỏe nhân dân ta”.
GS Hùng cho rằng, mỗi ngành nghề có một chức năng riêng, theo đó các nhà báo có chức năng của nhà báo, thầy thuốc có chức năng của người thầy thuốc, cùng bổ khuyết cho nhau.
Với nhà báo đứng trước sự việc của ngành y tế đòi hỏi phải minh bạch, công khai; bác sĩ có trách nhiệm trong các vấn đề chăm sóc sức khỏe cũng cần phải minh bạch thông tin về những thiếu sót về chuyên môn. Kinh nghiệm thế giới nếu không minh bạch trong sai sót y khoa, che giấu những khiếm khuyết thì tai hại lớn hơn nhiều. Chính vì vậy, mỗi người chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm với nhau trong từng sự việc.
“Tôi thành thật nói với các bạn làm báo rằng, có những sự việc rõ mười mươi nhưng ta phải nên cân nhắc viết lúc nào, nói lúc nào và nói thì được cái gì? Trên cơ sở đó mới xác định bản lĩnh của chúng ta chứ không phải nói vô tội vạ, bạ đâu nói đấy. Còn với thầy thuốc, xu thế độc tôn trong chăm sóc y tế không còn mà thay thế bằng vai trò kép của thầy thuốc và người dân. Xu hướng dân chủ hóa trong xã hội phát huy, người dân có quyền được thắc mắc có quyền hỏi, biết hỏi nên trách nhiệm thầy thuốc phải giải đáp”, TS. Phạm Mạnh Hùng phân tích.
Trong cơ chế thị trường không chỉ ngành Y tế mà các ngành khác cũng tồn tại hiện tượng tiêu cực, GS Hùng cho rằng trách nhiệm nhà báo là phát hiện tiêu cực đưa lên nhằm xây dựng lại những chuẩn mực là điều cần thiết. Tuy nhiên khi phát hiện hiện tượng tiêu cực mỗi nhà báo phải xác định động cơ của mình là gì?
“Một là giúp cán bộ ngành y tế, tại bệnh viện đó tốt hơn. Đây là việc làm hoan nghênh. Hai là tránh tình trạng do những quan hệ cá nhân này, cá nhân nọ nhiều khi đưa những tin đúng ở mức độ này nhưng lại viết quá lên như thế cũng nên. Cái chính là đạo đức của nhà báo” – GS Hùng nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi, vậy phải chăng báo chí khiến cho người dân nhìn ngành y “méo mó”, GS Hùng cho rằng có thể một phần. Vì thế, GS Hùng mong muốn báo chí trong quá trình tác nghiệp phải có cái nhìn tổng thể, chính xác. Chúng ta có thể nhắc đến câu chuyện gần đây về sản phẩm Viet Foods. Thương hiệu này đến nay có thể nói phá sản hoàn toàn. Điều này có sự “tiếp tay” không nhỏ của báo chí.
“Đối với người thầy thuốc có những trường hợp, bác sĩ hết lòng hết cách nhưng do bức bách của gia đình bệnh nhân, người ta chưa hiểu nên có thái độ, hành động không đúng. Với tình huống này, nhà báo phải phân tích kỹ không vì thế mà hùa với bệnh nhân hạ thấp người bác sĩ” – GS Hùng nhấn mạnh.
Theo đó, theo GS Phạm Mạnh Hùng, để người dân đồng thuận, tham gia vào công cuộc chăm sóc sức khỏe bản thân nhà báo cần động viên gương tốt, phê phán cái xấu. Tuyên truyền về tầm quan trọng của sức khỏe và chăm sóc sức khỏe, chính sách, giải pháp về chăm sóc sức khỏe, các kinh nghiệm trong chăm sóc sức khỏe…
“Muốn việc tuyên truyền hiệu quả, nên chăng ngành y tế cần cung cấp thông tin thường xuyên với nhà báo. Có những sự kiện ta nên cung cấp thông tin, minh bạch thông tin trên cơ sở đó nhà báo giúp ngành y tế cung cấp thông tin; không nên úp úp mở mở, tránh làm cho dư luận nghi ngại cho rằng ngành y tế bưng bít thông tin. Đồng thời, tổ chức đối thoại giữa cán bộ y tế và giới báo chí.
Theo đó, Hà Nội nên dẫn đầu thành lập câu lạc bộ nhà báo với công tác chăm sóc sức khỏe. Nên tổ chức thi viết về chăm sóc sức khỏe, vinh danh các nhà báo có nhiều bài, nhiều thành tích viết về chăm sóc sức khỏe, đồng thời tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho những nhà báo có nhiều năm gắn bó với ngành Y tế” – GS Hùng đề nghị.