Nhà băng run rẩy "kích" khách vay
Dù quý 2 đã đi qua gần một tháng, nhưng hiện trên thị trường tài chính mới chỉ có vài ngân hàng công bố dữ liệu kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2014.
Dự phòng “ngốn” gần hết lợi nhuận
Trái với số liệu tăng trưởng tín dụng ì ạch nửa đầu năm, đạt 3,52% - bằng 1/4 so với mục tiêu của cả năm 2014, thì con số lợi nhuận của một số nhà băng công bố 6 tháng đầu năm lại cho thấy tín hiệu khả quan.
Nằm trong số những nhà băng công bố con số kinh doanh 6 tháng đầu năm, Vietcombank cho biết, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 2.278 tỷ đồng sau khi trích lập dự phòng rủi ro, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013.
Vừađẩy tăng tín dụng, nhà băng lo nơm nớp nợ xấu |
Vietcombank cũng có mức tăng trưởng tín dụng lên tới 6,63% so với đầu năm, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng tín dụng chung của toàn hệ thống ngân hàng trong nửa đầu năm 2014. Nguồn thu nhập thuần từ lãi của ngân hàng này cũng tăng tới 9%, thu dịch vụ tăng 15,11%, thu từ kinh doanh ngoại tệ giảm 6,6% và thu nợ ngoại bảng tăng hơn 3 lần….
Trải qua một năm tái cấu trúc gian nan, đến hết nửa đầu năm 2014 Sacombank đạt lợi nhuận trước thuế 1.531 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch cả năm 2014. Riêng trong quý 2 Sacombank có mức lợi nhuận trước thuế ấn tượng, khoảng 737 tỷ đồng. Cùng với lợi nhuận, Sacombank là một trong số nhà băng có mức tăng trưởng tín dụng ấn tượng 2 con số, ở mức 10,3% so với cùng kỳ và huy động vốn tăng 12%.
Không có khoản lợi nhuận lên tới 4 con số như những nhà băng lớn khác, nhưng kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của TPBank cũng khiến nhiều nhà băng phải “thèm thuồng”. Lợi nhuận lũy kế của ngân hàng này đạt 263 tỷ đồng, bằng 60% kế hoạch năm 2014. Tín dụng TPBank tăng trưởng thuộc top dẫn đầu với tỷ lệ 8,8%, trong đó dư nợ cho vay các tổ chức kinh tế và cá nhân tăng 16,3%. Huy động vốn từ thị trường 1 (nguồn từ dân cư…) tăng 4,5%.
VIB cũng vừa công bố số liệu kinh doanh 6 tháng đầu năm. Theo đó, lợi nhuận trước dự phòng của VIB đạt 598 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế của VIB chỉ còn 151 tỷ đồng sau khi trừ trích lập dự phòng.
Hết quý 2 dư nợ tín dụng của VIB chỉ tăng 3% so với cuối năm 2013, tín dụng của VIB tăng chủ yếu ở khu vực tín dụng cá nhân, chiếm 46%.
Nợ xấu ám ảnh
Có thể thấy, phần lớn doanh thu và lợi nhuận của các nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh 6 tháng dựa phần lớn chủ yếu vào nguồn tăng trưởng tín dụng ấn tượng. Tuy nhiên, cùng với niềm vui đó thì “sức khỏe” của các ngân hàng vẫn phụ thuộc phần lớn vào việc có xử lý và kiềm chế được nợ xấu đang có nguy cơ tăng nhanh trong hệ thống hay không. Mối lo này hoàn toàn có cơ sở, bởi hầu hết các ngân hàng đều đã tăng mức trích lập dự phòng trong 6 tháng đầu năm. Thậm chí, mức trích lập dự phòng còn chiếm gần hết lợi nhuận, như trường hợp của VIB, khi trong 6 tháng nhà băng đã dành tới 447 tỷ đồng trong tổng số 598 tỷ đồng lãi được dành để trích lập dự phòng rủi ro.
Ngay cả “ông lớn” như Vietcombank cũng tăng khá mạnh các khoản trích lập trong cả 2 quý vừa qua. Ngân hàng dành 2.400 tỷ đồng (tăng 24,4% so với cùng kỳ) để trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu trong 6 tháng. Hết quý 1, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank là 2,65%, giảm so với mức 2,73% cuối năm 2013. Để giảm nợ xấu, lãnh đạo nhà băng này cho biết, sẽ bán khoảng 1.000 – 1.200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC trong năm 2014.
Dữ liệu được NHNN công bố tại hội nghị tổng kết 6 tháng vừa qua cho thấy, sau 1 thời gian nợ xấu được “kìm” lại khi VAMC ráo riết mua nợ từ các ngân hàng, thì từ đầu năm tới nay có dấu hiệu “tăng dần đều” trở lại. Đến hết tháng 4/2014, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống đã leo lên con mức 4,03% và con số đến cuối tháng 6/2014 được “chốt” là 4,84%.
Bức tranh nợ xấu chung – riêng đang đặt ra khá nhiều thách thức cho toàn hệ thống ngân hàng. Một mặt nhà băng phải “chạy đua” để đạt mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu, một mặt phải “hãm” nợ xấu đang có nguy cơ gia tăng. Có chuyên gia đã ví, các ngân hàng lại đang rơi vào trạng thái “một cổ hai tròng”, co bên này, kéo bên kia đều … khó cả.
Giám đốc trung tâm tín dụng của một nhà băng cổ phần chia sẻ với Infonet, kế hoạch đặt ra của trung tâm này mỗi năm khoảng 600.000 tỷ đồng được giải ngân, áp lực nợ xấu đi kèm theo đó là vô cùng lớn. “Nợ xấu vẫn là nỗi ám ảnh của các ngân hàng, dù đã được xử lý ít nhiều từ năm ngoái tới nay. Ngoài sức ép chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, thì sức ép “né” nợ xấu còn lớn hơn rất nhiều khiến ngân hàng không thể quá dễ dãi khi phê duyệt hồ sơ, giải ngân hồ sơ vay được” – vị này nói.
Ông cũng cho biết, nguyên tắc bất di bất dịch của mỗi nhà băng, khi giải ngân hồ sơ đã phải có khoản trích lập dự phòng và dùng dự phòng để đảm bảo cho các khoản nợ sẽ thu hồi trong tương lai hoặc chưa thể thu hồi. Vì thế, không khó hiểu khi các nhà băng đều tăng khoản trích lập dự phòng của mình, thậm chí có nhà băng khoản dự phòng “ngốn” gần hết lợi nhuận.
“Dù theo quy luật tín dụng nửa cuối năm bao giờ cũng tăng nhanh và mạnh, nhưng cũng khó kỳ vọng ngân hàng sẽ lãi khủng. Ngoài nỗi lo rủi ro nợ xấu trong ngân hàng, thì các khoản nợ đã bán cho VAMC ngân hàng đâu có được “ngủ ngon”, mà vẫn phải trích lập dự phòng 20%/năm. Lúc thị trường khó khăn thế này, lợi nhuận bị ảnh hưởng là không tránh khỏi” - vị Giám đốc bộc bạch.