Nhà băng hứa lãi cho vay tối đa 18%
Nhà băng hứa lãi cho vay tối đa 18%
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong buổi làm việc giữa Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và 14 NHTMCP lớn tại Hà Nội ngày 3/5.
Lãi suất vay cho các DN thuộc nhóm đối tượng ưu tiên sẽ khống chế về mức 15%/năm |
Là một trong số những NH lớn tham gia cuộc họp bàn giữa NHNN và nhóm NHTMCP lớn ngày 3/5, ông Trần Bắc Hà – Chủ tịch NH Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm giảm lãi suất, giúp DN tiếp cận được vốn vay dễ dàng hơn.
Cụ thể, lần giảm lãi suất này sẽ theo hướng khống chế mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay không quá 3% đối với 4 nhóm đối tượng DN ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ, DN vừa và nhỏ, xuất khẩu. Đối với cho vay thông thường, mức lãi vay chênh lệch không quá 6% so với lãi huy động hiện hành là 12%/năm. Như vậy, mức lãi suất vay đối với các nhóm đối tượng ưu tiên sẽ không quá 15%/năm và vay thông thường sẽ không quá 18%/năm.
"Thống đốc không chủ trương áp đặt biện pháp hành chính là áp trần lãi suất cho vay, nhưng việc đưa ra khung lãi vay cho các nhóm đối tượng DN sẽ phần nào gỡ nút thắt tiếp cận vốn hiện thời" – ông Hà cho biết.
Tuy nhiên, tại cuộc họp trên không phải tất cả các NH tham gia đều đồng thuận với đề xuất này. Vì thế, trước mắt sẽ chỉ có những NH có sức khỏe tốt, không bị áp lực quá lớn từ cổ đông về doanh thu, chia cổ tức... mới áp dụng mức lãi vay mới. Về phía BIDV, vị Chủ tịch HĐQT chia sẻ, nhà băng này sẽ áp dụng ngay tinh thần chỉ đạo mới của Thống đốc NHNN. Thậm chí, nhiều mức lãi vay của BIDV đối với nhóm DN ưu tiên đã giảm về còn 13,5% từ ngày 12/4.
Xoay quanh quyết sách quan trọng của NHNN trong tháng 4, đó là cho phép các NH khoanh nợ, cơ cấu lại nợ cho DN (Quyết định 2056 của NHNN), ông Hà thông tin thêm, Thống đốc NHNN lưu ý việc cơ cấu lại nợ tới đây sẽ tiến hành đồng bộ cả về kỳ hạn nợ và lãi suất.
Từ trước tới nay kỳ hạn ngắn vẫn được quy định là 12 tháng, nhưng do các NH muốn quay vòng vốn nhanh nên thường định kỳ hạn 3-6 tháng. Căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực trả nợ của khách hàng thì tới đây kỳ hạn nợ ngắn hạn có thể được kéo dài hơn.
Ngoài ra, văn bản 2056 của NHNN cho phép cơ cấu lại nợ đến hạn chưa trả được, nghĩa là cả nợ trong và quá hạn. Tuy nhiên, NHNN cho rằng nên thận trọng và chỉ nên cơ cấu lại nợ trong hạn. Bày tỏ quan điểm cá nhân, người đứng đầu BIDV cho rằng, đối với DN thực sự khó khăn, có lượng hàng tồn kho lớn thì nên cho phép cơ cấu lại cả các khoản nợ quá hạn. Như thế, chính sách đưa ra để cứu DN mới thực sự triệt để, hiệu quả.
Riêng về quy định khống chế chỉ số an toàn nợ xấu toàn hệ thống tín dụng 3%, ông Trần Bắc Hà bật mí, các NHTM có mặt tại cuộc họp ngày hôm qua đều khuyến nghị nên nới chỉ tiêu này rộng hơn. "Trong bối cảnh có đến 64% DN khó khăn và trên bờ vực phá sản thì nợ xấu NH phải chấp nhận "dềnh" nên một chút, có thể dưới 5% trong 2-3 năm tới" – ông Hà chia sẻ.
Trong khi đó, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng đã xuống 3%/năm với lãi suất qua đêm, 4-5% lãi suất kỳ hạn dài hơn.
Các điều kiện để hạ mặt bằng lãi suất đang rõ ràng, vấn đề còn lại là các DN đủ tiêu chuẩn vay vốn có còn khả năng vay vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh hay không, khi lượng hàng tồn kho đang tăng lên trong bối cảnh sức mua đang sụt giảm mạnh.
Thu Hoài