Nguyên Thứ trưởng Xây dựng: Bất động sản lãi to lắm, sao phải hỗ trợ?
Trao đổi với PV Infonet, ông Trần Văn Huynh – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN cho rằng, đồng ý với việc cần có sự can thiệp của Nhà nước khi thị trường có vấn đề, tuy nhiên, điều mà ông quan tâm là hiệu quả của các giải pháp cứu thị trường.
Theo ông Trần Văn Huynh, “gói giải pháp hỗ trợ thị trường BĐS, giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho với bất động sản và các ngành liên quan tới bất động sản, vật liệu xây dựng, tiếp tục giãn thuế… Những giải pháp này DN được hưởng lợi nhiều nhất, và DN sẽ bớt khó khăn chứ không thể làm ấm thị trường lên ngay được”.
"Nên để các DN tự hoạt động và để thị trường tự điều tiết, đào thải… DN nào trường vốn, làm ăn chân chính thì sống khỏe qua gia đoạn này, còn DN nào yếu, làm ăn “chộp giật” thì để tự thị trường đào thải".
"Ngày trước BĐS sốt nóng, DN “tung hỏa mù” thổi giá đẩy hàng, nhà đầu tư, đặc biệt là người dân có nhu cầu thực sự không tiếp cận được sản phẩm, phải chịu mua giá cao, qua nhiều cầu dẫn đến Nhà nước thất thu thuế, DN hưởng lợi… Vì vậy, thời kỳ đó DN lãi lớn lắm rồi. Nhưng nay, bất động sản suy thoái, kinh tế khó khăn, DN lại kêu than nọ kia, để nhà nước có chính sách, động thái giúp đỡ".
"Như vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước có trở thành nghịch lý?", vị Nguyên Thứ trưởng nêu câu hỏi.
Còn ông Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, để làm ấm thị trường bất động sản là một câu chuyện lớn. Nó gắn với 3 vấn đề lớn và phải được xử lý đồng bộ để tương hỗ cho nhau.
Hãy để tự thị trường đào thải những DN BĐS làm ăn kiểu "chộp giật" |
Bất động sản có liên quan đến ngân hàng, tài chính, tín dụng, quyền sử dụng đất, cấp đất và minh bạch thông tin... Do đó, cần phải xác định rõ đây là vấn đề trường kỳ, có thể mất từ 5-10 năm mới xử lý triệt để. Muốn làm được điều này, có thể sẽ sửa đổi cả về thể chế, các quy định, chính sách có liên quan. Nhưng trước hết, cần phải có một bản phân tích toàn diện để chỉ rõ các vấn đề liên quan đến bất động sản. Có như vậy mới có thể tránh lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản
trước đây.
Để thị trường có thể ấm lên nhờ Chính phủ tạo điều kiện cho người dân có mức thu nhập trung bình và thấp tiếp cận được nhà ở xã hội. Trong bối cảnh lượng cung nhà ở dư thừa như hiện nay, đó là việc đáng hoan nghênh và có thể tác động tích cực đến thị trường. Đây cũng là phân khúc được đặc biệt quan tâm. Tiếp theo là các hoạt động hỗ trợ tổng thể (giảm lãi suất, giảm thuế…) và xử lý nợ xấu.
Việc thị trường bất động sản “đóng băng” đã ảnh hưởng xấu đến các hoạt động tài chính - ngân hàng và cả hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực khác. Thiếu vắng sức mua mới là thách thức lớn nhất trên thị trường bất động sản, thậm chí, ngay cả khi các DN bất động sản chấp nhận giảm giá, thì những người mua có khả năng tài chính cũng không sẵn sàng vì kỳ vọng giá sẽ còn giảm nữa.
Theo chuyên gia Võ Trí Thành, Chính phủ nên hỗ trợ tài chính cho việc chuyển sản phẩm bất động sản ế, thừa hiện nay thành sản phẩm cho thuê, trước khi tính tới việc trở thành sở hữu lâu dài của người sử dụng cuối cùng. Thậm chí, Nhà nước có thể trợ giá thuê nhà ở xã hội với đúng đối tượng. Vì nhu cầu thuê và năng lực trả tiền thuê của người lao động đô thị vẫn còn nhiều. Người có tiền và có nhu cầu hiện nay cũng chọn giải pháp đi thuê nhà và gửi tiết kiệm.
Giải pháp này có nhiều điểm lợi là tạo điều kiện cho người thuê trở thành người chủ sở hữu khi đã kiểm chứng được chất lượng bất động sản, giá thuê dù có thấp cũng là dòng tiền quan trọng để chi phí lãi vay; Nhà nước dễ dàng chấm dứt gói chính sách của mình và thu hồi được phần lớn nguồn lực tài chính khi thị trường thực sự hồi phục.