Nguyễn An Ninh - Cây bút góp phần xoay chuyển thời cuộc
Những năm đầu thập niên 20 của thế kỷ trước, có người thanh niên trẻ của đồng đất Hóc Môn (nay thuộc TP.HCM), tốt nghiệp cử nhân luật tại Paris về nước không chịu làm quan mà đi làm báo, thành lập nên những tờ báo như La Cloche Fêlée (Chuông rè) và tờ L’Annam (Nước Nam) với mục tiêu: thức tỉnh lòng yêu nước trong nhân dân, đặc biệt là trong lớp trẻ. Đó là Nguyễn An Ninh (1900- 1943), nhà báo - nhà trí thức yêu nước hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh đòi dân chủ và tự do báo chí ở VN những thập niên thứ hai và thứ ba của thế kỷ 20.
Làm báo từ tuổi 15
Nói về Nguyễn An Ninh, trước hết là nói về một con người “thông minh vốn sẵn tính trời”. Ông Nguyễn An Định, con trai đầu của Nguyễn An Ninh kể lại: “Từ bé ba tôi sớm bộc lộ trí thông minh, học giỏi, học đâu nhớ đó, hễ thi là đậu thứ hạng cao. Ông mê đọc sách, kể chuyện, thích tìm tòi, khám phá và hay quan sát”. Trí thông minh ấy được bồi đắp bởi một nền giáo dục “đến nơi đến chốn” (Lúc còn nhỏ, Nguyễn An Ninh sống với ông ngoại, được học chữ Nho và học Tứ Thư Ngũ Kinh. Đến năm 10 tuổi Nguyễn An Ninh lên Sài Gòn sống với cha mẹ và học tại trường Chasseloup Laubat) nên càng có cơ hội khởi phát từ rất sớm. Khi mới chỉ là cậu bé 15 tuổi (năm 1915), Nguyễn An Ninh đã học rất giỏi môn Pháp văn, tốt nghiệp hạng ưu Trung học cơ sở và được tuyển thẳng vào trường Cao đẳng Hà Nội. Và chính trong thời gian chờ nhập học, cậu bé 15 tuổi đã sớm lập nên một “kì tích” mà có lẽ không mấy cậu bé đồng trang lứa người An Nam như cậu làm được. Đó là việc cậu được nhận làm phóng viên tập sự viết tin cho tờ Courrier Saigonnais tại Sài Gòn.
Chuyện kể rằng, khi cậu bé Ninh đến tòa soạn Courrier Saigonnais hỏi xin, mọi người trố mắt ngạc nhiên, hỏi: “Xin làm việc gì?”. “Dạ, xin viết tin”, Nguyễn An Ninh lễ phép thưa. Rồi họ đưa tờ giấy nháp bảo Ninh viết thử. Mọi người đọc trầm trồ rằng Ninh mặt còn non mà viết tin tiếng Pháp quá chuẩn. Từ ngạc nhiên đến thán phục. Bỏ qua mọi tiền lệ, BBT Courrier Saigonnais đồng ý nhận Ninh vào làm việc, khởi điểm với nhiệm vụ viết những mẩu tin nho nhỏ, theo kiểu “lượm lặt vỉa hè”. Không sao. Tin nhỏ hay bài to cũng là được làm việc, được chứng tỏ chính mình. Chừng ấy đã đủ cho một cậu bé tràn đầy nhiệt huyết và đam mê như Nguyễn An Ninh. Chỉ có điều, việc được tuyển thẳng ra Hà Nội học luật đã khiến cho công việc làm báo của cậu bé Ninh tạm thời bị gián đoạn.
Tới Paris, gặp Nguyễn Ái Quốc, gia nhập nhóm “Ngũ Long”
Được tuyển thẳng vào trường Cao đẳng Luật Hà Nội nhưng mới chỉ theo học năm đầu tiên Nguyễn An Ninh đã thấy chán. Bởi khi mượn tài liệu của những năm học tiếp theo ra nghiên cứu, chàng trai 16 tuổi đã sớm nhận ra rằng toàn bộ chương trình học của Pháp không phải đào tạo ra những luật sư bênh vực người nghèo, bảo vệ lẽ phải. Họ dạy luật để cai trị dân đen, người học ra trường làm tay sai để thực hiện luật pháp của Pháp. Cá tính mạnh mẽ và độc lập đã khiến chàng sinh viên 16 tuổi ngay lập tức có cho mình một quyết định táo bạo. Nhân dịp về nghỉ lễ, Nguyễn An Ninh thưa với cha chuyện bỏ học và muốn sang Pháp. “Con phải học ở đất nước đã sản sinh ra luật để cai trị xứ thuộc địa”, Ninh trình bày.
Biết rõ cá tính cậu con trai: trước khi làm điều gì đó suy nghĩ rất kỹ càng và khi đã quyết điều gì sẽ làm cho bằng được, ông Nguyễn An Khương- cha Nguyễn An Ninh đồng ý. Nhưng chuyện Nguyễn An Ninh đi Pháp học không đơn giản vì ông Nguyễn An Khương từng bị nghi là những người cầm đầu phong trào Đông Du. Không được phép đi thì trốn. Nhờ các mối quan hệ thân thiết, Nguyễn An Ninh rốt cuộc vẫn đến được Paris. Không những thế, chàng trai Việt còn xuất sắc thi đậu vào Trường ĐH Sorbonne.
Đến ngày nhập học trở lại nhưng không có mặt Nguyễn An Ninh, trường Cao đẳng Luật Hà Nội phát hiện ông mất tích liền bắt đầu tìm kiếm. Biết ông đi đến Paris, trường liên lạc sang Pháp đề nghị tống cổ Nguyễn An Ninh về nước, đền bù lệ phí. Nhận được điện của Toàn quyền Đông Dương, Bộ trưởng thuộc địa Albert Sarraut gọi Nguyễn An Ninh lên gặp. Tuy nhiên, trái ngược với mọi dự đoán, Bộ trưởng Albert Sarraut cho phép Nguyễn An Ninh được học ở Pháp và không phải đền bù lệ phí.
Thông minh, hoạt bát, thân thiện và rất giỏi tiếng Pháp, Nguyễn An Ninh nhanh chóng có cho mình nhiều mối quan hệ thân thiết trên đất Pháp. Trong số bạn bè có hai người đã có nhiều ảnh hưởng đến suy nghĩ và hành động của Nguyễn An Ninh. Đó là giáo sư Marcel Cachin, thầy đỡ đầu suốt những năm học ở Trường đại học Sorbonne mà ông quý mến như cha. Và một người nữa là Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Tất Thành). Cùng chung chí hướng, nhiệt huyết, tuổi trẻ, giữa Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh nhanh chóng thành đôi tri kỷ. Cùng với những nhà tri thức yêu nước khác trên đất Pháp như Phan Chu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Ái Quốc và Nguyễn An Ninh hợp thành nhóm “ngũ long” cùng nhau sát cánh hoạt động: tham gia diễn thuyết, viết báo tố cáo tội ác của thực dân, vận động kiều bào đoàn kết đấu tranh hướng về Tổ quốc.
“Tôi chỉ muốn làm tiếng chuông thức tỉnh đồng bào tôi...”
Một trong những công việc chính mà Nguyễn An Ninh thường làm mỗi khi từ Pháp trở về là thăm dò tinh thần của quần chúng và sự phản ứng của nhà cầm quyền qua các bài diễn thuyết, khơi dậy tinh thần dân tộc, khơi gợi nhiệt huyết của người dân Việt. Nhưng chừng ấy, với Nguyễn An Ninh và những người bạn, vẫn còn chưa đủ. Với họ, để đạt được mục tiêu “xoay chuyển tình thế” ngoài diễn thuyết còn làm báo. Làm báo và diễn thuyết để đánh thức tinh thần dân tộc, để thổi bùng ngọn lửa yêu nước. Viết báo cho những ai có học hành đọc, diễn thuyết cho những người ít học nghe. Trên tất cả, như lời Nguyễn An Ninh khảng khái đáp trả thống đốc Nam kỳ là Cognacq: Tôi chỉ muốn làm tiếng chuông thức tỉnh đồng bào tôi.
Từ mong muốn ấy, ngày 10/12/1923, báo La Cloche Fêlée- Chuông Rè số đầu tiên ra đời. Gọi là Chuông Rè nhưng tiếng chuông ấy, tiếng vọng ấy, âm vang ấy không hề rè. Nó góp phần tạo nên một làn sóng yêu nước và quật khởi khắp miền Nam.
Không những là những bài báo trên La Cloche Fêlée- Chuông Rè, Nguyễn An Ninh có tổng cộng hơn 400 bài báo viết chủ yếu trong khoảng thời gian từ 1923 đến 1937 trên nhiều báo khác nhau như: "Le Paria" (Người cùng khổ), "L›Annam" (An Nam), "La Lutte" (Tranh đấu), Trung lập, Thần Chung, Công Luận, Đuốc Nhà Nam... Đọc các bài báo của Nguyễn An ninh được tập hợp trong tập sách này, người ta có thể hiểu tại sao ông lại được đánh giá là nhà báo Việt Nam “đã đóng một vai trò không nhỏ trong sự xoay chuyển thời cuộc lịch sử ở Đông Dương trong giai đoạn 1933- 1936”. Còn Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Trần Văn Giàu thì nhận xét: “Ở Nam bộ những năm trước 1930, có một người đã có công đánh thức cả một thế hệ thanh niên còn mê ngủ... Không ai khác hơn là Nguyễn An Ninh.