Người Việt trong hồ sơ Panama: Vào cuộc điều tra, không được lờ đi!
Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) đã công bố Hồ sơ Panama, trong đó có 189 cá nhân, tổ chức cùng 19 công ty có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam có tên trong danh sách này.
Tuy nhiên, trả lời trên báo chí, doanh nhân Việt có tên trong hồ sơ đã khẳng định hoạt động đầu tư của mình là hợp pháp.Việc có tên trong danh sách là điều bình thường với doanh nghiệp có hoạt động đầu tư ra nước ngoài, điều đó không có nghĩa là cá nhân, công ty đó vi phạm pháp luật, liên quan đến trốn thuế hay rửa tiền.
Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước |
Chia sẻ với Phóng viên báo điện tử Infonet, ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ông không quá ngạc nhiên về danh sách người Việt có tên trong Hồ sơ Panama.
“Tôi không ngạc nhiên vì việc phát hiện này thì đã phát hiện nhiều rồi nhưng kết luận có thể không phải như thế. Do đó khi có phát hiện thì dứt khoát phải có chỉ đạo kết luận, phải chờ đến lúc có kết luận chứ cũng không nóng vội được, mà cũng không nên hốt hoảng làm gì”, ông Kiêm nói.
Theo ông, hồ sơ Panama có nhiều vấn đề phức tạp, nêu danh sách tên những người có tài khoản, tiền gửi, lại được hé lộ tại nơi mà người ta vẫn gọi là “thiên đường trốn thuế”. Tuy nhiên, việc cá nhân, công ty xuất hiện trong danh sách này không nhất thiết là có hành vi vi phạm pháp luật. Có thể có những người trốn thuế thật sự đang tập trung vào đấy, nhưng cũng sẽ có những người mở công ty, chuyển tiền, làm ăn thực sự.
Chính vì thế, ông cho rằng không nên vội vã kết luận những cá nhân, tổ chức có tên là trốn thuế hay vi phạm pháp luật.
“Theo tôi, hồ sơ Panama chỉ có tính chất tham khảo, chưa thể kết luận được điều gì. Cần có quá trình nghiên cứu, điều tra, xác minh thẩm định..., phối hợp với nước ngoài nữa”, ông Kiêm nói.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng hành động mở công ty ở nước ngoài để quản lý tài sản là một hoạt động không có gì ghê gớm cả. Đó là điều bình thường của tất cả doanh nghiệp khi hội nhập sâu.
“Nó bất thường ở chỗ là khi gửi sang một nơi được gọi là thiên đường tránh thuế, phải chứng minh có liên quan gì không, hay họ chỉ gửi để thanh toán, buôn bán…có nhiều lý do khác nhau”, ông Kiêm nhấn mạnh.
Chính vì thế, ông cho rằng, các cơ quan chức năng, Chính phủ phải kết hợp với các cơ quan nước ngoài để vào cuộc xác minh, điều tra, xử lý, liệu có hành vi vi phạm pháp luật hay không.
Thông qua công bố hồ sơ Panama lần này, Nguyên Thống đốc cũng cho rằng, cái yếu của chúng ta là chưa quản lý, giám sát được thu nhập của từng cá nhân, quản lý hợp đồng của từng đơn vị nên họ có thể lợi dụng để lách luật, làm ăn không đứng đắn. Sau vụ việc này, cơ quan nhà nước cần phải xem xét lại về chính sách thuế.
“Các cơ quan chức năng, chính phủ phải có xác minh, kết luận vụ việc, theo dõi có hệ thống rõ ràng. Tên những người này phải minh bạch, có như thế mới có khả năng động viên, khuyến khích hội nhập phát triển, đồng thời răn đe, bảo vệ quyền lợi của đất nước, giữ uy tín với thế giới”, ông Kiêm kiến nghị.
“Phải vào cuộc điều tra chứ không phải lờ đi thông tin. Đây là vấn đề của toàn thế giới. Chính vì thế thái độ của chúng ta cũng là để thế giới biết đất nước chúng ta có trách nhiệm với dân, với cộng đồng quốc tế hay không. Nó không còn là là vấn đề của mỗi quốc gia”, ông Kiêm nhấn mạnh.