Người Việt trong Hồ sơ Panama: Ngân hàng Nhà nước rà soát người có tên
Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) vừa công bố danh sách các cá nhân, tổ chức dính líu tới Hồ sơ Panama, đáng chú ý trong đó có 189 cá nhân, tổ chức đến từ Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí liên quan tới thông tin này, ông Nguyễn Văn Ngọc – Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.
Trong danh sách các cá nhân, tổ chức dính líu tới Hồ sơ Panama được ICIJ công bố có 189 cá nhân, tổ chức từ Việt Nam |
“Hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài…” – ông Ngọc nói. Cụ thể những văn bản quản lý mà Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền đề cập là Pháp lệnh Ngoại hối 2005 đã được sửa đổi, bổ sung, Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn.
Cũng liên quan tới vụ việc, một lãnh đạo của NHNN khẳng định, cơ quan quản lý tiền tệ đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này. “Trong phạm vi quyền hạn của mình, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật”- vị này nhấn mạnh.
Trong một diễn biến liên quan, ngay sau khi ICIJ công bố bản danh sách cá nhân, tổ chức liên quan tới Hồ sơ Panama, Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) đã thành lập ngay một tiểu ban điều tra để đối chiếu dữ liệu, kiểm tra nghĩa vụ thuế của các cá nhân, tổ chức người Việt có tên trong Hồ sơ Panama.
Trong 189 cá nhân, tổ chức Việt Nam có tên trong Hồ sơ Panama có những cái tên doanh nhân Việt khá quen thuộc trên thương trường như bà Đàm Bích Thủy - người từng đảm nhận vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam; ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI); hay bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó chủ tịch Ngân hàng Phát triển TP HCM, Tổng giám đốc Vietjet Air; ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) …. Các doanh nhân đều khẳng định việc doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài là hợp pháp và việc có tên trong danh sách Hồ sơ Panama là bình thường. Thậm chí, Chủ tịch SSI ông Nguyễn Duy Hưng còn hóm hỉnh “cảm ơn Hồ sơ Panama đã giúp mình nổi tiếng”.
Chia sẻ với Infonet, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, không nên phản ứng thái quá với bản danh sách có tên các cá nhân, tổ chức người Việt mà ICIJ vừa công bố. Ông Lực cho rằng, cần quan sát thêm động thái từ các nước có cùng hoàn cảnh như Việt Nam để cân nhắc hướng xử lý phù hợp. Vị chuyên gia này nhấn mạnh, qua vụ việc cơ quan thuế phải nghiên cứu và sửa ngay những lỗ hổng trong chính sách thuế để tránh việc cá nhân, tổ chức lợi dụng để né, lách thuế…
Còn TS. Cao Sĩ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thì cho rằng, không nên vội vã kết luận những cá nhân, doanh nhân Việt trốn thuế hay vi phạm pháp luật, mà cần phải vào cuộc điều tra để thế giới biết chúng ta có trách nhiệm…
Hồ sơ Panama là vụ rò rỉ dữ liệu thông tin cá nhân lớn nhất từ trước tới nay. với hơn 11 triệu tài liệu từ hãng luật Mossack Fonseca (Panama). Báo cáo của ICIJ dựa trên những thông tin này cho thấy Mossack Fonseca đã giúp giới nhà giàu và quyền lực lập ra hàng trăm nghìn công ty tại Quần đảo British Virgin, Cayman, Seychelles và Bermuda, đều là những nơi được mệnh danh là thiên đường thuế, lý tưởng cho các hoạt động ngầm, né thuế hay rửa tiền.
Một thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, tính đến cuối năm 2015 “thiên đường thuế” British Virgin Islands đứng thứ 5 sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và Đài Loan “đổ” nhiều vốn vào Việt Nam. Cụ thể, tới cuối năm 2015 thiên đường thuế này có 623 dự án với tổng vốn đầu tư vào Việt Nam gần 20 tỷ USD…