Người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ lập luận sai trái và nguy hiểm
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình. |
Theo đó, ngày 11/1/2016, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông cáo báo chí của Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến hoạt động của tàu bay Trung Quốc trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh), Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục nhắc lại tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 7/1/2016, kiên quyết phản đối mọi hoạt động của Trung Quốc, dù dưới bất kỳ hình thức nào, liên quan đến Đá Chữ Thập hoàn toàn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, ngày 30/12/2015, ngay sau khi có thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam về thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức kiểm tra công văn, điện văn, fax, e-mail, điện tín tại tất cả các cơ quan, đơn vị có địa chỉ liên quan đã được công bố trong Tập thông báo tin tức hàng không Việt Nam (AIP) và liên lạc trực thoại của các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu liên quan của Việt Nam từ 00h ngày 28/12 đến ngày 29/12/2015 (trong đó kiểm tra hơn 19.000 điện văn hàng không); hoàn toàn không nhận được bất cứ thông báo nào như phía Trung Quốc tuyên bố.
Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, việc thông báo của cơ quan ngoại giao Trung Quốc cho cơ quan ngoại giao Việt Nam không thể thay thế cho việc thông báo bay và thiết lập liên lạc thoại trong vùng trời có kiểm soát với cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu theo quy trình hàng không để đảm bảo an toàn và điều hòa cho các hoạt động bay.
Bên cạnh đó, Cục Hàng không Việt Nam thấy rằng Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã đưa ra nhiều lập luận sai trái và nguy hiểm, uy hiếp đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không tại Biển Đông.
Máy bay Trung Quốc bay thử nghiệm trên đường băng mà Bắc Kinh xây trái phép ởbãi Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. |
Cụ thể, việc Trung Quốc tuyên bố “các chuyến bay thử nghiệm và hiệu chuẩn của Trung Quốc tới sân bay mới xây dựng trên Vĩnh Thử là hoạt động hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc” là cố tình khẳng định toàn bộ hành lang bay từ Đảo Hải Nam qua Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh đến bãi Chữ Thập thuộc vùng trời chủ quyền của Trung Quốc. Đây là tuyên bố hết sức sai trái và phi lý, trực tiếp đe dọa đến hoạt động bình thường và an toàn hàng không dân dụng tại Biển Đông.
Với tuyên bố: “Trung Quốc đã quyết định rằng các chuyến bay sẽ được thực hiện bằng tàu bay dân dụng như các hoạt động hàng không công vụ. Theo quy định của luật pháp quốc tế, hoạt động hàng không công vụ không bị ràng buộc bởi Công ước về Hàng không dân dụng quốc tế và các quy định có liên quan của ICAO, thuộc phạm vi hoạt động của các quốc gia có chủ quyền”, Trung Quốc cho rằng việc tàu bay của Trung Quốc bay vào, bay cắt ngang hệ thống đường hàng không quốc tế đã được các quốc gia liên quan và Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) thiết lập hoàn toàn là quyền tự do của Trung Quốc mà không phải tuân thủ bất kỳ quy định, quy tắc quốc tế nào về an toàn hàng không. Đây là tuyên bố làm dấy lên sự lo ngại sâu sắc của Việt Nam cũng như cộng đồng hàng không quốc tế về trách nhiệm của một quốc gia đối với vấn đề bảo đảm an toàn hàng không.
“Cục Hàng không Việt Nam bác bỏ hoàn toàn tuyên bố ngày 11/1/2016 của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi. Một lần nữa Cục Hàng không Việt Nam kiên quyết phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái diễn các hoạt động bay tương tự và có hành động thiết thực, cụ thể góp phần duy trì an toàn hàng không ở Biển Đông. Về phía các cơ quan quản lý điều hành bay của Việt Nam, chúng tôi vẫn đang hết sức nỗ lực giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các hoạt động bay bình thường trong các Vùng thông báo bay do Việt Nam quản lý”, Cục Hàng không khẳng định.
Trước đó, Việt Nam đã gửi công hàm tới chính quyền Bắc Kinh nhằm phản đối hành động Trung Quốc ngang nhiên tiến hành các chuyến bay thử nghiệm ở sân bay mà nước này xây dựng trái phép ở bãi đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh đã trơ trẽn cho rằng đây là cáo buộc "vô căn cứ" và tiếp tục bỏ qua mọi bằng chứng lịch sử, pháp lý và luật pháp quốc tế khi ngang ngược tuyên bố các chuyến bay thử nghiệm được thực hiện "ngay trong khu vực thuộc chủ quyền" của nước này.
"Lời cáo buộc các chuyến bay thử nghiệm của Trung Quốc đe dọa tới an ninh hàng không trong khu vực là hoàn toàn vô căn cứ", Hồng Lỗi biện minh trước công hàm phản đối của Cục hàng không dân dụng Việt Nam (CAAV) gửi tới Bắc Kinh cũng như Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế của Liên Hợp Quốc (ICAO).
Người phát ngôn Trung Quốc còn biện minh rằng để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay thử nghiệm, Bắc Kinh đã quyết định đưa các máy bay dân sự tới bay thử nghiệm. Thậm chí, Trung Quốc cho rằng "máy bay của nước này có quyền hoạt động trong lãnh thổ quốc gia và hạ cánh mà không cần thông báo trước".
Theo ông Hồng, Trung Quốc đã hoàn thành thành công các chuyến bay thử nghiệm tại sân bay trên bãi Chữ Thập. Kết quả này cho thấy sân bay mới đáp ứng được tiêu chuẩn và đảm bảo độ an toàn hoạt động cho các máy bay dân sự đồng thời hỗ trợ hoạt động luân chuyển nhân sự trong khu vực cũng như phục vụ công tác cứu trợ hàng hải trên Biển Đông.
Hiện vì trách nhiệm đối với an toàn hàng không quốc tế, cùng với Thư thông báo gửi đến ICAO, Cục Hàng không Việt Nam đã gửi Thư thông báo đến Nhà chức trách hàng không của các quốc gia thành viên ICAO, Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội người lái tàu bay (IFALPA), Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay quốc tế (CANSO), Liên đoàn quốc tế các hiệp hội kiểm soát viên không lưu (IFATCA), Hiệp hội các Nhà khai thác hàng không tại Việt Nam (AOC), hơn 100 hãng hàng không quốc tế có các chuyến bay thường lệ trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh, đề nghị phối hợp phản đối hoạt động bay của tàu bay Trung Quốc đã uy hiếp an toàn hàng không.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, liên tiếp từ ngày 1-8/1/2016, một số tàu bay Trung Quốc đã tiến hành những hoạt động bay vi phạm các quy định và quy tắc của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) liên quan đến hoạt động bay trong vùng trời có kiểm soát trong Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh mà ICAO giao cho Việt Nam quản lý.
Theo lưu trữ radar của Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh, các tàu bay của Trung Quốc đã bay cắt ngang các đường hàng không L625, N892 (có mực bay được quy định từ FL135 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 4.000 m, đến độ cao khoảng 13.800 m), M771 (có mực bay được quy định từ FL250 đến FL460, tức là mực bay từ độ cao khoảng 7.500 m đến độ cao khoảng 13.800m); đã bay từ mực bay FL180 đến FL265 (tức là mực bay từ độ cao khoảng 5.400 m đến độ cao khoảng 8.000 m, có trường hợp đã bay lên đến độ cao 10.000m), cao hơn mực bay tối thiểu của các đường hàng không nêu trên.