Người mẹ trẻ đến ăn bánh xèo, bỏ lại con 3 tuổi cho chủ quán già
Đứa trẻ bị bỏ rơi
Cuối ngày, đường phố lên đèn rực rỡ. Ông Nguyễn Văn Chương (SN 1954, quận Gò Vấp, TP.HCM) nhóm lửa, bắc chiếc chảo nhôm đen bóng chiên bánh xèo cho khách.
Bên cạnh ông, bé gái khoảng 8 tuổi ngồi nhìn ánh lửa bập bùng, miệng không ngớt nhắc: “Ông nội ơi mấy cô xin thêm rau”. Nghe tiếng cháu gọi, ông Chương quay lại nhìn, nở nụ cười nhân hậu.
Vừa bưng đĩa bánh nóng hổi cho khách, ông Chương vừa nói, giọng đầy tự hào: “Cháu ông ngoan quá. Giúp được ông bà rồi đây”. Được ông khen, bé gái vẫn ngồi hướng mắt ra đường ngắm nhìn ánh đèn màu lấp lánh.
Thấy đứa cháu ngồi trầm tư, ông Chương thoáng buồn, nhớ lại chuyện cô bé bị mẹ bỏ rơi sau một lần ghé quán ông ăn đĩa bánh xèo. Đó là một chiều mùa đông của 5 năm về trước.
Chiều hôm ấy, ông Chương và vợ, bà Phạm Thị Luôn (SN 1954) dọn quán, chiên bánh xèo cho khách. Sắp đến lễ Giáng sinh, khu vực ông bán bánh lại ngay trước cổng nhà thờ nên người ra vào tấp nập.
Trong lúc chiên bánh, ông nghe thấy tiếng gọi món của một người phụ nữ ngoài 20 tuổi. Cô gọi 1 cái bánh xèo, 5 cái bánh khọt rồi ngồi xuống chiếc bàn nhựa.
Bên cạnh người phụ nữ, ông Chương thoáng thấy bé gái chừng 3 tuổi, người lấm lem, vẻ mệt mỏi hiện rõ trên khuôn mặt. Khách đông, ông tất tả chiên bánh, dọn bàn rồi quên mất người khách nữ lúc nào không biết.
Đến khi nhớ ra mình chưa tính tiền, ông nhìn sang thì đã thấy cô gái đi đâu mất chỉ còn lại đứa bé mặt thẫn thờ, tay ôm cái túi xách cũ mèm. Quán còn đông, vợ chồng ông Chương tiếp tục bán và nghĩ mẹ bé gái đi đâu đó và sẽ nhanh chóng trở lại đón con.
Ông Chương kể: “Tuy vậy, vợ chồng tôi đợi mãi mà vẫn không thấy cô ta đến đón con. Lúc này, đứa bé có vẻ rất mệt. Bé không khóc, chỉ gục mặt xuống bàn.
Sau cùng, có lẽ vì đói và quá mệt, bé lả đi. Vợ chồng tôi xót xa quá nên bế cháu vào nhà. Chúng tôi cố chăm cho cháu khỏe rồi ngồi trông mẹ cháu nhanh đến đón con về. Tôi nhớ rõ đó là ngày 23/12 của 5 năm trước”.
Đợi mãi vẫn không thấy người phụ nữ ấy quay lại, ông Chương đành bế đứa bé đến trình báo chính quyền. Sau đó, ông được chính quyền địa phương đồng ý cho chăm sóc bé gái trong lúc chờ mẹ bé đến đón về.
Thế nhưng sau đó, ông bà vẫn không có bất kỳ tin tức nào về mẹ của bé gái. Lúc này, ông xác định, cháu bé đã bị chính mẹ ruột bỏ rơi. Không muốn đứa trẻ thêm một lần bất hạnh, ông bà quyết định nhận nuôi, trở thành ông bà nội của đứa trẻ.
Vay tiền nuôi cháu
Không máu mủ nhưng ông bà Chương thương yêu bé gái hết mực. Ngày trở thành người giám hộ của cô bé, ông bà háo hức tìm cái tên đẹp nhất để đặt cho "cháu nội nhặt".
Cuối cùng, ông đặt tên cho bé là Nguyễn Ngọc Tường Vi với hi vọng bé luôn xinh đẹp, thông minh và sẽ có cuộc sống tương lai bình an, tốt lành. Tuy vậy, thời gian đầu nuôi Tường Vi, vợ chồng ông Chương gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Chương kể: “Lúc đó, bé suy dinh dưỡng và đau ốm liên miên. Không biết trước đó, bé đã trải qua những gì nhưng khi ở với chúng tôi, thời gian đầu, đêm nào bé cũng giật mình thảng thốt rồi khóc ngặt.
Mỗi lần như thế, bé giãy giụa, hai chân miết vào nhau, chà mạnh xuống mặt giường. Ban ngày, bé cũng chỉ ngồi thu lu một góc, không trò chuyện, tiếp xúc với ai. Bé gần như rơi vào trạng thái tự kỷ”.
Sau đó, Tường Vi lại bị bệnh tật hành hạ. Vốn chỉ trông chờ vào thu nhập từ xe bánh xèo, nay lại nuôi thêm đứa trẻ, cuộc sống ông bà Chương càng thêm khó khăn. Mỗi khi Tường Vi đổ bệnh, cả nhà lại xúm vào chăm sóc.
Dẫu vậy, nhiều lúc ông bà vẫn không đủ tiền thuốc thang cho cháu. Ông phải bấm bụng đi vay nợ, điều vợ chồng ông chưa làm bao giờ suốt mấy chục năm qua.
“Lúc đó, cả nhà tôi không nghĩ nuôi cháu sẽ được gì, mất gì mà chỉ nghĩ cứu một mạng người còn hơn xây 10 tòa tháp. Vậy nên chúng tôi cố gắng vay mượn, làm lụng để chăm, nuôi cháu”, ông Chương nói.
Sau những gian khó ban đầu, bé Tường Vi vượt qua bệnh tật, lớn nhanh và ngoan ngoãn. Tuy thân hình nhỏ bé hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng Tường Vi được bà Luôn khen chăm ngoan, biết giúp đỡ ông bà nội nhiều việc vặt.
Tuy vậy, lúc bỏ rơi con, mẹ bé gái không để lại bất cứ giấy tờ gì nên Tường Vi chưa làm được giấy khai sinh. Vì vậy, bé chưa làm được hồ sơ để học ở trường công lập mà phải theo học ở trường tư nhân.
“Không bao giờ cho cháu” Ông Chương cho biết, khi thấy kinh tế nhà ông eo hẹp mà phải nuôi thêm một đứa trẻ, nhiều người đến ngỏ lời xin bé gái về nuôi. Thậm chí, có người đề nghị gửi cho ông một khoản tiền lớn để xin bé. Tuy vậy, ông Chương kiên quyết từ chối. Bởi, ông xem bé gái như cháu nội của mình. Ông chia sẻ: “Tôi không bao giờ chấp nhận việc cho bé. Vợ chồng tôi đã xem bé như cháu ruột của mình. Thậm chí, nếu mẹ bé quay lại đón con, tôi cũng phải tìm hiểu, xem cô ấy có thật sự yêu thương và lo lắng được cho bé hay không mới đưa ra quyết định cuối cùng”. |
Hà Nguyễn