Người mẹ của những hàng cây
Những người phụ nữ vô sinh ở các vùng quê Ấn Độ thường không chỉ chịu đau khổ vì không thể có con, mà còn phải đối mặt với nhiều định kiến từ cộng đồng, thậm chí bị chính người thân ruồng bỏ…
Không cam chịu số phận, bà Saalumarada Thimmakka và chồng – ông Sri Bikkala Chikkayya đã cùng nhau vượt qua hoàn cảnh khó khăn này. Họ quyết định chăm sóc những hàng cây tại ngôi làng của mình ở bang Karnataka, miền Nam Ấn Độ và coi chúng như những đứa con. Nông trại tại đây còn tạo việc làm cho các lao động mù chữ.
Bà Thimmakka chia sẻ: “Nếu như Thượng đế không cho tôi thực hiện thiên chức làm mẹ thì chúng tôi sẽ trồng cây, nuôi nấng và dành tình yêu thương cho chúng”.
Bà Saalumarada Thimmakka bên những "đứa con" cổ thụ của mình. (Nguồn: News Karnataka) |
“Người hùng” của thiên nhiên
Cho đến nay, hai vợ chồng bà Thimmakka đã trồng được khoảng 400 cây trên một vùng đất xưa nay vốn khô cằn, bụi bặm và ít mưa. Nhờ đó, con đường trải dài gần 4km từ ngôi làng nơi bà Thimmakka sinh sống đến Hulikal, Kudur và xa hơn nữa đã được phủ xanh.
Bên cạnh các giải thưởng được trao, bà còn được công nhận là một nhà hoạt động vì môi trường. Tên của bà được dùng để đặt cho một tổ chức gây quỹ từ thiện. Mặc dù bà Thimmakka chưa học qua bất kỳ trường lớp nào nhưng các sự kiện trồng cây trên khắp đất nước Ấn Độ cũng như các chương trình giáo dục của quốc gia vẫn thường mời bà đến tham dự và thuyết giảng. Thậm chí, một bài thơ đã được sáng tác để tôn vinh những nỗ lực của bà mẹ này.
Hiện bà đã được 105 tuổi và có một cuộc sống hạnh phúc. Bà bày tỏ: “Tôi rất vui khi được nhìn thấy những đứa con của mình lớn lên mỗi ngày. Chúng tôi đã chăm sóc chúng bằng cả tình yêu và niềm tự hào”.
Cộng đồng cư dân ở đây xem bà như một người hùng của thiên nhiên và đặt tên người mẹ này theo tiếng Kannada (một trong những ngôn ngữ chính ở Ấn Độ) là “Saalumarada”, nghĩa là “hàng cây”.
Tuy nhiên, không điều gì là dễ dàng. Để có được thành quả ngày hôm nay, bà Thimmakka và chồng mình đã phải vất vả đào hố, ươm cây giống từ những loại hạt được mang về từ các vùng khác nhau, rồi chở nước từ xa để tưới cho những cây non. Khi trời không mưa, hai ông bà phải tưới cây đến 4 lần mỗi tuần thì chúng mới có thể sống sót.
Những cây đa do vợ chồng bà Thimmakka vun trồng ngày nào đã phủ xanh con đường dài 4km trên vùng đất cằn cỗi. (Nguồn: YouTube) |
Và phép màu cũng đến
Phép màu đến với bà Thimmakka khi cậu bé Sri Umesh (14 tuổi) tìm đến gặp bà. Cậu chia sẻ: “Những suy nghĩ và hành động của mẹ Saalumarada Thimmakka đã truyền cảm hứng cho tôi, khiến tôi phải tìm cách đến gặp. Sau khi nghe tôi nói lên những suy nghĩ của mình, mẹ Thimmakka đã rất hạnh phúc và quyết định nhận tôi làm con nuôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn”.
Hiện nay, Umesh đã thay bà trở thành người quản lý công việc trồng, chăm sóc và phân phối các giống cây cho những người nông dân. Họ cùng nhau vận động mọi người trồng cây vì những thế hệ trẻ tương lai.
Sự sống của loài người luôn gắn liền với thiên nhiên, bảo tồn thiên nhiên chính là bảo vệ sự sống của mỗi con người. Bà Thimmakka từng chia sẻ: “Chúng tôi không thể trồng và chăm sóc cho tất cả cây cối. Mọi người, bất kể già trẻ lớn bé hãy cùng giúp chúng tôi trồng và chăm sóc cây xanh. Việc làm này sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người”.
Theo baoquocte