Người dân lại đưa ô tô ra... đổi tiền lẻ để chặn đường ở trạm thu phí BOT
Nhiều người lái xe ô tô r tập trung trước đầu cầu Bến Thủy (phía huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) để phản đổi việc thu phí. |
Hàng trăm người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã đưa ô tô ra ở hai đầu cầu Bến Thủy 1 (bắc qua Sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để tiếp tục phản đối việc thu phí qua trạm thu phí BOT Bến Thủy.
Theo ghi nhận của PV Infonet, hàng chục xe ô tô đã được lái đến hai đầu cầu Bến Thủy 1, dàn hàng ở hai bên đường với những băng rôn, khẩu hiệu, yêu cầu chủ đầu tư dự án BOT phải giảm, miễn phí qua cầu. Việc người dân mang xe ra dừng, đỗ trên QL 1A, đầu cầu Bến Thủy đã gây cản trở, ách tắc giao thông nghiêm trọng tại khu vực này.
Theo ý kiến của người dân, lý do họ ra đường phản đối là để mong chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) nhanh chóng miễn, giảm phí qua cầu. Ngoài ra, việc nhiều người không đi đường BOT nào mà vẫn phải nộp phí là không hợp lý.
Ách tắc giao thông cục bộ ở phía đầu cầu ở huyện Nghi Xuân |
Trước tình hình ách tắc giao thông cục bộ, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã cử lực lượng ra giải thích với người dân và yêu cầu người dân không đường đỗ xe gây tắc cầu, đường.
Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Quang Thành - Trưởng công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: “Người dân đổi tiền lẻ để mua vé qua cầu, hiện chúng tôi đang triển khai lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự”.
Đây là lần thứ 3, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tập trung nhiều xe ô tô ra cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí BOT qua cầu và đề nghị phía nhà đầu tư giảm giá vé cho người dân.
Trước đó, vào sáng ngày 19/3/2017, hàng trăm người dân ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã đưa khoảng 30 chiếc ô tô ra ở hai đầu cầu Bến Thủy 1 (bắc qua Sông Lam nối 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) để phản đối việc thu phí qua trạm thu phí BOT Bến Thủy. Vụ việc khiến tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đoạn qua khu vực ách tắc kéo dài.
Sau đó, Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã huy động lực lượng ra để tuyên truyền, giải thích cho bà con, đến khoảng hơn 11 giờ trưa thì người dân mới chịu giải tán để ra về.
Mới đây, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh liên quan đến việc thực hiện chính sách pháp luật đầu tư và khai thác công trình theo hình thức BOT (Xây dựng – Vận hành – Chuyển giao) liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn.
Đây là lần thứ 3, người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) tập trung nhiều xe ô tô ra cầu Bến Thủy 1 để phản đối việc thu phí BOT . |
Tại buổi làm việc với tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Hữu Quang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị tỉnh Nghệ An cần phối hợp với Bộ GTVT, nhà đầu tư có giải pháp giải quyết vấn đề kiến nghị của người dân về trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Bên cạnh đó, phía tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Trung ương cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, cũng như tiến hành kiểm tra, giám sát mức giá, lộ trình tăng giá vé, thời gian thu phí, minh bạch về kiểm soát phương tiện qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án BOT. Các Bộ, ngành có giải pháp giải quyết một cách lâu dài, hợp lý, đảm bảo quyền lợi của nhân dân và của Nhà đầu tư.
Trong buổi làm việc với đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại tỉnh Hà Tĩnh ngày 22/3, ông Trần Báu Hà - Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho hay: “Thời gian qua huyện Nghi Xuân rất vất vả trong việc tuyên tuyền người dân không đưa ô tô mang theo các băng rôn ra cầu Bến Thủy 1 phản đối gây gây ách tắc giao thông. Giờ đây người dân đưa xe ô tô ra tụ tập sợ vi phạm an toàn giao thông bị xử lý thì họ lại tìm cách phản đối khác là tập trung đi theo từng đoàn xe sau đó họ dùng tiền mệnh giá 500 đồng trả phí để kéo dài thời gian qua cầu gây ách tắc”.
Việc thu phí quá cao của trạm BOT Bến Thủy khiến người dân huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) liên tục phản đối. |
Tại buổi làm việc này, ông Dương Quốc Anh – Phó chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội khẳng định: “Lộ trình tăng phí BOT qua cầu Bến Thủy 1 và 2 là không ổn. Tôi được biết quy định 3 năm mới được điều chỉnh vì còn phải căn cứ theo nhiều tiêu chí như PCI chuyển biến thế nào mới được tăng hay giảm.
Trong thời gian ngắn tăng một phát từ 15 ngàn lên 30 rồi 45 ngàn đồng. Cụ thể là từ tháng 6/2014 đến tháng 31/12/2015 mới hơn năm mà tăng lên gấp rưỡi. Tôi ở ngoài Hà Nội cũng bức xúc nói gì dân địa phương. Người dân chỉ trả phí cho những tuyến đường mà họ sử dụng, còn anh đầu tư xây dựng nơi khác người dân không sử dụng đường BOT của anh trả phí thì phải xem lại vấn đề này”.
Ông Anh cũng nói rõ: Nhà đầu từ Cienco4 phát biểu, việc tăng giảm phí, miễn giảm thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính, Bộ GTVT quyết, nhà đầu tư không có thẩm quyền. Rõ ràng, lộ trình tăng phí này không ổn, khoảng cách các lần tăng phí quá ngắn”.