Người chăn nuôi mong có… dịch lợn tai xanh
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Long An Đinh Văn Thế, trong tháng 11 và tháng 12/2012, dịch tai xanh trên đàn lợn xảy ra tại 3 huyện Đức Hòa, Thạnh Hóa và Mộc Hóa (Long An). Tỉnh tiêu hủy gần 50.000 tấn lợn thịt và áp dụng giá hỗ trợ 38.000 đồng/kg thịt lợn hơi, trong khi giá thị trường chỉ có 32.000 đồng/kg thịt lợn hơi. Với giá hỗ trợ này, khi dịch tai xanh xảy ra, người nuôi lợn không quan tâm đến việc tiêm vắc-xin để phòng ngừa dịch lây lan.
Cơ quan chức năng tiêu hủy lợn bị tai xanh. |
Ở xã Đức Hòa Thượng (huyện Đức Hòa) có một hộ nuôi 50 con lợn thịt, có trọng lượng 40 - 50 kg, khi dịch xảy ra ở những hộ lân cận, cán bộ thú y huyện đến tiêm phòng, nhưng chủ hộ không cho, ngành thú y phải nhờ đến chính quyền xã can thiệp, chủ hộ chăn nuôi mới chịu tiêm phòng dịch.
Anh Võ Văn Bé Tám, xã Đức Hòa Thượng, cho biết bởi vì giá đền bù cho đàn lợn bị dịch tai xanh của Nhà nước cao hơn giá thị trường nên người chăn nuôi không sợ, cứ để lợn mắc bệnh rồi tiêu hủy, hưởng giá đền bù có lợi hơn là nuôi lợn lớn đem bán. Không ít hộ chăn nuôi trong xã có lợn không bị bệnh nhưng cũng đến xã khai báo lợn bệnh làm cho chính quyền địa phương phải nhọc nhằn đến kiểm tra.
Huyện Đức Hòa tuy đã công bố ngăn chặn dịch tai xanh 10 ngày nay, nhưng mầm bệnh đang đe dọa khi thời tiết se lạnh, nhiều người chăn nuôi vẫn chưa tuân thủ sự hướng dẫn của ngành thú y trong việc tiêm phòng dịch bệnh, khử trùng chuồng trại và toàn huyện hiện vẫn còn hơn 30% số lợn chưa được tiêm ngừa. Ở 2 huyện Thạnh Hóa và Mộc Hóa, tình trạng người dân lơ là chống dịch tai xanh cũng đang diễn ra.
Nhà nước muốn bảo vệ quyền lợi cho người chăn nuôi, ngược lại người chăn nuôi khi thấy “ưu thế” này đã chủ quan trong việc phòng dịch để hưởng đền bù, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăn nuôi.
Theo TTXVN