Ngư dân Phú Yên liên kết giữ biển
Ngư dân Phú Yên liên kết giữ biển
Đội tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Phú Yên. |
Từ giữ biển Hòn Khô
Cách đây gần 10 năm, từ vận động của Đồn Biên phòng 356 và Hội Nông dân xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hoà, Tổ tàu thuyền an toàn số 1, thôn Phú Thọ 3, xã Hòa Hiệp Trung được thành lập. Ông Sáu Hay - tên gọi thân mật của ngư dân Lê Văn Hay - được ngư dân tín nhiệm bầu làm Tổ trưởng cho đến nay.
Mỗi năm, Tổ tàu thuyền an toàn số 1 phát hiện, thông báo và phối hợp với Đồn Biên phòng 356 vây bắt, xử lý hàng chục vụ đánh bắt cá bằng chất nổ, xung điện tại khu vực Hòn Khô, huyện Đông Hòa, nhờ thế tình trạng đánh bắt bằng chất nổ, xung điện ở khu vực này đã giảm hẳn, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển. Ông Sáu Hay cho biết, từ khi có tổ tàu thuyền an toàn, trách nhiệm từ thuyền trưởng đến thuyền viên trong việc giúp đỡ, cứu hộ, cứu nạn được phát huy cao độ. Cũng nhờ hỗ trợ nhau như chia sẻ kỹ thuật đánh bắt, thông tin về luồng cá, hỗ trợ vốn… mà sản lượng đánh bắt của Tổ tàu thuyền an toàn số 1 được nâng lên hẳn. Hiện có đến 2/3 phương tiện thu lãi từ 100 triệu đến trên 300 triệu đồng/năm.
Còn ông Bùi Thành, Lạch trưởng làng biển Phú Thọ 3, xã Hoà Hiệp Trung thì chia sẻ: Mỗi năm, do sóng gió, tàu thuyền ngư dân hư hỏng trên chục chiếc. Anh em trong Tồ tàu thuyền, mỗi năm đóng góp hơn hai mươi triệu đồng giúp nhau sửa chữa tàu thuyền, trang bị lại ngư lưới cụ để tiếp tục ra khơi.
Đến giữ biển Trường Sa
Từ một Tổ tàu thuyền an toàn ban đầu ở thôn Phú Thọ 3, xã Hoà Hiệp Trung, đến nay, tỉnh Phú Yên đã phát triển được 103 Tổ tàu thuyền an toàn gồm 851 phương tiện nghề cá với trên 7000 ngư dân tham gia, trong đó có 34 tổ tàu thuyền với 230 phương tiện chuyên đánh bắt xa bờ, hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Chính lực lượng này đã sát cánh với lực lượng Hải quân trong bảo vệ chủ quyền biển đảo khơi xa của Tổ quốc.
Ông Phan Thuẫn, một lão ngư ở phường 6, TP Tuy Hòa cho biết: "Tôi không nhớ nổi mình đã có bao nhiêu chuyến đánh bắt tại khu vực biển quần đảo Trường Sa, nhưng việc chứng kiến tàu nước ngoài đánh bắt trộm hải sản ở vùng biển nước mình thì khá thường xuyên. Ban đầu, đánh bắt nhỏ lẻ thì cũng hơi yếu thế, vì tàu nước ngoài thường có công suất lớn, trang bị đầy đủ. Nhưng từ khi liên kết trong Tổ tàu thuyền an toàn thì mọi chuyện đã khác. Khi có tàu lạ, anh em liên lạc nhau tập trung lại thành đoàn lớn xua tàu nước ngoài ra khỏi vùng biển nước mình và tiếp tục đánh bắt".
Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa Nguyễn Đức Thắng đánh giá rất cao mô hìnhTổ tàu thuyền an toàn của ngư dân Phú Yên. Ông nói: “Trong thời gian qua, các Tổ tàu thuyền an toàn của ngư dân Phú Yên cùng với các tổ, đội sản xuất trên biển ở các địa phương khác đã sát cánh cùng Bộ đội Hải quân và nhân dân huyện đảo Trường Sa bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
Và câu chuyện cứu người nước ngoài bị nạn
“Không cứu người bị nạn trên biển thì không phải là ngư dân!”, ngư dân Trần Văn Lực, 37 tuổi, thuyền trưởng, chủ tàu câu cá ngừ đại dương số hiệu PY-92647 TS, Tổ trưởng Tổ tàu thuyền an toàn khu phố 4, phường 6, thành phố Tuy Hòa đã nói như vậy khi tàu vừa cập bến, đưa 7 người nước ngoài bị nạn vào bờ an toàn.
Niềm vui của thuyền viên tàu Malaysia bị nạn được cứu đưa về đất liền. |
Anh Lực kể: “Khoảng trưa 30/4/2012, trong lúc đang buông câu cách quần đảo Trường Sa về phía Nam khoảng 80 hải lý, chúng tôi nhìn thấy hai người từ bè phao bơi ra vẫy tay cầu cứu. Tôi nói với anh em: Có người bị nạn, và không một phút chần chừ, lập tức bẻ lái, tiếp cận cứu vớt 2 người này và 5 người nữa lên tàu”.
Đây là những thuỷ thủ của một con tàu Malaysia bị hải tặc tấn công và vứt xuống biển, sống trong tuyệt vọng đã 10 ngày. Những đồ ăn, thức uống đem theo như sữa, nước yến, nước tăng lực chỉ để bồi dưỡng cho những người bị mệt sau mỗi đêm kéo câu nhưng thuyền trưởng Lực cho dốc ra tất cả cho người bị nạn uống. Có hai thủy thủ quá kiệt sức, anh em gọi về Trạm Biên phòng phường 6, TP Tuy Hoà báo cáo tình hình. Trạm đã hướng dẫn rang gạo, nấu nước cháo cho uống để họ bớt kiệt sức.
Anh Lực tâm sự: "Đi trọn vẹn chuyến biển này, anh có thể lãi 300 triệu đồng, quay trở về thì lỗ 150 triệu vì mới chỉ câu được 10 con cá ngừ. Nếu về, không dễ chạy vạy cho ra hàng trăm triệu để đi biển trở lại. Biết là lỗ nhưng mạng sống của con người là trên hết".
Đây không phải là lần đầu tiên ngư dân Phú Yên cứu sống người nước ngoài bị nạn trên biển. Năm ngoái, hai anh em Lương Công Đông và Lương Công Đồng, ngư dân phường Phú Đông, TP Tuy Hoà đã cứu sống một số thuyền viên Philippines bị nạn.
Đại tá Nguyễn Đông Tùng, Trưởng Phòng Vận động quần chúng, Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng khẳng định, việc làm trên của ngư dân Phú Yên và ngư dân các địa phương khác trong cả nước đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ tốt đẹp với các nước trong khu vực Biển Đông.
Mạc Phan