Nghi vấn vụ cắt mác 4 tấn quần áo ngoại: Sẽ mời chủ hãng NEM, IFU lên làm việc
Chiều 4/11, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (Đội QLTT số 17) kiểm tra cơ sở may mặc tại 503 Bát Khối, phường Thạch Bàn, quận Long Biên. Tại thời điểm kiểm tra công nhân may của cơ sở này đang thực hiện việc cắt tem nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài và đính thay bằng nhãn NEM, IFU trên các sản phẩm quần áo.
Cụ thể hàng hóa gồm: 66 bao quần áo các loại có chữ nước ngoài, 2130 sản phẩm quần áo đã gắn nhãn IFU, 16 bao quần áo gắn nhãn NEM, 6 bao túi xách và 04 bao quần áo đã cắt nhãn gốc. Ước tổng khối lượng hàng hóa khoảng 4 tấn, tổng trị giá hàng hóa khoảng 2 tỷ đồng.
Toàn bộ hàng hóa trên do nước ngoài sản xuất, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.
Lực lượng quản lý thị trường đã thu giữ4 tấn hàng hóa, tổng trị giá khoảng 2 tỷ đồng. |
Đáng chú ý, trong số hàng bị thu giữ có cả hàng hóa của NEM - đây là thương hiệu khá nổi tiếng trên thị trường với gần 100 cửa hàng trên toàn quốc.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, vụ việc vẫn đang trong quá trình xác minh. Quản lý thị trường sẽ mời đối tượng lên giải trình tất cả các hóa đơn chứng từ, xem có xuất xứ của NEM không hoặc của đơn vị nào thì họ phải giải trình.
Còn ông Nguyễn Ngọc Hà, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cũng cho biết, Đội đang trong quá trình xác minh, làm rõ. Hiện nay chủ cơ sở vẫn chưa ra mặt. “Chúng tôi đã mời họ lên làm việc nhưng họ bảo đang bị ốm”, đội trưởng Hà cho hay.
Cũng theo Đội trưởng Quản lý thị trường 17, trong số lượng hàng thu giữ, số lượng của NEM không nhiều. Theo lời khai của nhân viên cơ sở may mặc thì họ mua đồ của NEM.
Các tem nhãn được cơ sở cắt bỏ |
“Hiện họ mới khai báo như thế nhưng mình phải xác minh có phải hàng của NEM không, có giấy tờ không? Nem xác nhận có phải hàng của NEM không, nếu không phải thì là hàng giả. Còn nếu của NEM thì lại khác. Chúng tôi đương nhiên sẽ có công văn gửi sang NEM mời họ sang.
Đối với IFU chúng tôi cũng phải mời họ đến để xem là hàng của họ hay là hàng giả, văn bằng của họ đã được bảo hộ chưa, yêu cầu họ xuất trình giấy tờ... Hiện tại chúng tôi tra thì họ mới nộp đơn, chưa được bảo hộ. Nếu bảo hộ của họ thì chuyện bình thường, chỉ sai về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa chứ không phải hàng giả. Nếu hàng giả thì giả của ai, bị hại như thế nào. Tất cả cần phải xác minh và làm rõ.
Chúng tôi cũng phải làm việc cẩn trọng, để không làm ảnh hưởng đến uy tín các thương hiệu. Khi nào có kết quả xử lý thì chúng tôi sẽ có thông báo sau”, ông Hà nói thêm.