Nghị trường chất vấn: Còn tình trạng mồi, mớm vấn đề (?)
Tại buổi làm việc sáng nay, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội vừa qua, nhiều vấn đề quan trọng đã được đưa ra thảo luận, xem xét kỹ lưỡng, thận trọng và quyết định với sự đồng thuận cao. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có nhiều đổi mới được cử tri cả nước, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Các ĐBQH, thành viên Chính phủ dành nhiều công sức trí tuệ cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Việc lựa chọn danh sách những người trả lời chất vấn và các nhóm vấn đề tại kỳ họp là hợp lý, sát thực tiễn, đúng nguyện vọng của cử tri. Không khí chất vấn sôi nổi, trách nhiệm, đối thoại với tinh thần thẳng thắn, xây dựng cao…
Cử tri đánh giá cao kết quả làm việc tại phiên họp thứ 4 vừa qua. Ảnh TN |
Bên cạnh đó ông Phúc cũng thẳng thắn chỉ rõ thực trạng còn một số ĐBQH đặt câu hỏi dài, chưa đi thẳng vào nhóm vấn đề được chủ tọa gợi ý. Một số vấn đề cũng chưa được trả lời đầy đủ, đúng trọng tâm, mở rộng không cần thiết. Việc nhận trách nhiệm về hạn chế yếu kém trong quản lý nhà nước của Bộ ngành chưa rõ ràng, việc chậm gửi báo cáo đến đại biểu ảnh hưởng đến nghiên cứu, so sánh, đánh giá tình hình thực hiện lời hứa, cam kết ở các kỳ họp trước của các thành viên Chính phủ.
Thảo luận tại buổi làm việc sáng 11/12, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho biết, tại phiên họp thứ 4 vừa qua một số phiên còn đọc nhiều quá, có phiên đọc tới 10 báo cáo, không cần thiết. Ông Sơn đề nghị nên gửi tài liệu bằng thư điện tử cho đại biểu, nếu mỗi người mang ngót 15 cân giấy từ các loại văn bản như hiện nay sẽ rất tốn kém.
Bên cạnh đó hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng còn một số vấn đề cần rút kinh nghiệm: “Các phiên chất vấn vẫn còn nhiều trường hợp né tránh vấn đề. Mặc dù chưa được kiểm chứng, nhưng người ta còn nói với tôi về tình trạng mớm vấn đề. Đại biểu đặt câu hỏi mồi sớm để người ta trả lời dài dòng những nội dung đã được chuẩn bị từ trước. Tại các phiên chất vấn, nếu người trả lời chất vấn nói dài dòng thì chủ tọa nên cắt luôn”. Trước lời đề nghị này của ông Sơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc này sẽ làm từ từ, nhưng chủ tọa phải thật dứt khoát trong các phiên chất vấn.
Trải qua 4 nhiệm kỳ, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội QH nhận định, kỳ họp thứ 4 khối lượng công việc lớn hơn so với các kỳ họp trước. Vấn đề đặt ra hấp dẫn hơn, sát sườn hơn, phiên thảo luận tư pháp rất hay.
Tuy nhiên hạn chế tại kỳ họp trước là bố trí chương trình chưa hợp lý, quá nhiều báo cáo, có những báo cáo gọi là tóm tắt nhưng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới đọc xong. TVQH phải làm việc với các Bộ trưởng về báo cáo tóm tắt, yêu cầu nên giảm hợp lý các báo cáo trình ra Quốc hội.
Để phiên chất vấn mang lại hiệu quả, trong thời lượng ít ỏi chỉ với 2 phút cho mỗi đại biểu chất vấn, bà Mai đề nghị đại biểu chỉ nên hỏi một hai câu thôi. Nếu đại biểu hỏi quá nhiều câu, sẽ không có trọng tâm, mà Bộ trưởng ghi không kịp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị trong các phiên thảo luận ở hội trường nên cho thảo luận mở tất cả các vấn đề, sau sẽ đó tổng hợp lại. “Quốc hội phải có kênh riêng về truyền hình Quốc hội. Hiện đang có rất nhiều kênh truyền hình trẻ em, truyền hình về tài chính…nhưng truyền hình Quốc hội chưa có. Ở các nước người ta dùng búa để gõ, khỏi phải nhắc. Chúng ta có nên dùng cây búa quyền lực này để gõ điều hành tại Quốc hội không?” – bà Ngân nêu.
Chia sẻ tại cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải phát huy được trí tuệ của đại biểu và của toàn Quốc hội để giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước. Chủ tịch đánh giá kỳ họp thứ 4 vừa qua có không khí của NQ TW 4 rất nghiêm túc, nhiều vấn đề lớn khó, nhiều vấn đề đầu tiên cũng diễn ra tại kỳ họp này. Với 7 nghị quyết vừa được thông qua, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu phải giám sát việc thực hiện, nếu không sẽ trở thành đánh trống bỏ dùi.