Nghị sĩ Nga phản ứng thế nào về kế hoạch phòng thủ tên lửa mới của Mỹ?
Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov |
Mới đây trên trang Twitter của mình, Thượng nghị sĩ Nga Alexey Pushkov đã đưa ra bình luận về kế hoạch mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Washington, mục đích của Tổng thống Mỹ khi "chơi trò vẽ ra huyền thoại" về khả năng bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ, cũng như lưu ý rằng dự án này khó để có thể thực hiện được trên thực tế.
"Ông Trump đang theo chân hai người tiền nhiệm của mình là ông Bush Jr. (Bush con) và ông Obama, khi cố gắng tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa không thể xuyên thủng trên không phận Hoa Kỳ. Nghe có vẻ hay nhưng điều đó khó có thể biến thành hiện thực. Ông Trump chỉ đơn giản là đang vẽ ra huyền thoại về khả năng bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ, theo như yêu cầu của học thuyết quân sự Mỹ. Nhưng huyền thoại vẫn sẽ chỉ là huyển thoại mà thôi", ông Pushov viết.
Theo Thượng nghị sĩ Nga, số tiền khổng lồ được đầu tư vào phát triển và lắp đặt các hệ thống phòng thủ tên lửa mới, chỉ mang lại lợi ích cho tổ hợp công nghiệp quân sự Hoa Kỳ.
"Do đó, chương trình nói trên vẫn được thực hiện, ngay cả khi sự bất khả xâm phạm của Hoa Kỳ chỉ là một mục tiêu không thể đạt được", Thượng nghị sĩ nhấn mạnh.
Trong khi đó, Phó Trưởng khoa Kinh tế và Chính trị Thế giới thuộc Trường Đại học Kinh tế cấp cao Nga, ông Andrei Suzdaltsev nhận định, chiến lược phòng thủ tên lửa cập nhật do Tổng thống Mỹ Donald Trump trình bày đe dọa an ninh của Nga.
Chuyên gia này cho rằng, người Mỹ quyết định phản ứng theo cách này trước sự đột phá về công nghệ của Liên Bang Nga trong lĩnh vực phát triển quân sự, nhưng con đường Washington chọn là lộ trình thảm họa.
Ông Suzdaltsev chia sẻ: "Đây là phản ứng của Lầu Năm Góc trước việc Nga thúc đẩy hiện đại hóa lĩnh vực quân sự. Tôi xin nhắc rằng, sau khi Tổng thống Nga giới thiệu về những phát kiến của chúng ta vào ngày 1 tháng 3 năm 2017, giới lãnh đạo Mỹ đã phản ứng một cách đầy mỉa mai. Họ gọi đó là sự tuyên truyền và tuyên bố rằng Nga không có khả năng phát triển kỹ thuật và công nghệ để thực hiện một bước đột phá như vậy".
Theo ông Suzdaltsev, sau khi các phát triển của Nga chuyển từ giai đoạn thiết kế sang giai đoạn thử nghiệm, Mỹ mới nhận ra sự tụt hậu của mình trong lĩnh vực này và quyết định thể hiện mong muốn kháng cự với bước đột phá công nghệ của Moscow.
Ông Suzdaltsev nói thêm: "Tuy nhiên, người Mỹ quên rằng không thể có đột phá nếu nước này không rút khỏi tất cả các hiệp định, kể cả hiệp ước về hệ thống phòng thủ, và bây giờ là Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF). Chúng ta không phải là người khởi xướng. Người Mỹ đã chọn con đường này, và đó là lộ trình thảm họa".
Theo ông, nếu chiến lược này được thực hiện thì "đương nhiên nó sẽ gây ra mối nguy cho an ninh của Nga".
Tổng thống Mỹ Donald Trump |
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trình bày một chiến lược mới nhằm phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Báo cáo Phòng thủ Tên lửa được công bố hôm 17/1 được xem là "cuộc đại tu" lần đầu tiên ở lĩnh vực này trong suốt chín năm qua.
Tài liệu này phân tích các mối đe dọa hiện tại và tiềm năng, đồng thời đưa ra các hướng phát triển chính cho hệ thống theo các chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ trong lĩnh vực lực lượng quốc phòng và hạt nhân. Trong bài phát biểu của mình, nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhấn mạnh, mục tiêu chủ yếu là "phát hiện và tiêu diệt bất kỳ tên lửa nào được phóng đi nhằm vào nước Mỹ".