Nghi đại gia "núp" sau cá nhân doanh thu trăm tỷ đồng, ngành thuế nói gì?
Trước thông tin nghi có doanh nghiệp núp sau cá nhân viết các phần mềm online có doanh thu trăm tỷ đồng, để giảm nghĩa vụ và gánh nặng thuế, đại diện Tổng cục Thuế đã lên tiếng.
Bà Tạ Thị Phương Lan - Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh - cho biết chưa nhận được thông tin nghi có đại gia "núp" sau cá nhân doanh thu trăm tỷ đồng và cơ quan thuế cũng không khẳng định cá nhân đứng thay doanh nghiệp.
Bà này cho rằng, hiện quy định của pháp luật Việt Nam đều cho phép cá nhân có thể cung cấp các dịch vụ thương mại điện tử, kinh tế số, không yêu cầu bắt buộc họ phải là pháp nhân. Bên cạnh đó, hình thức cá nhân hoặc nhóm người đều phù hợp với các quy định của Luật.
Cũng theo bà Lan, người có thu nhập trăm tỷ đồng phải có các hợp đồng với nhà cung ứng, có tài khoản thanh toán, giao dịch đi kèm chữ ký. Cơ quan thuế sẽ kiểm tra dòng tiền, mã số thuế, các mã số khác.
Đại diện Tổng cục Thuế thông tin: Hiện thuế thu nhập cá nhân 7%, còn thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, nhưng doanh nghiệp được khấu trừ chênh lệch nhiều loại chi phí, nếu tính ra họ mới lập ra và khai báo thuế, sẽ được hưởng thuế 0%. Nên theo bà Lan, không dại gì họ chuyển hình thức kê khai nộp thuế để phải làm các thủ tục khác nhau.
Tuy nhiên, bà Lan cho rằng, trong một nhóm người có một người đứng ra đại diện để nhận thù lao là có, như trường hợp ở Đà Nẵng là điển hình. Bởi cá nhân đứng ra kê khai thuế và nộp nghĩa vụ thuế, sau đó chia cho nhau theo thỏa thuận thì đó là việc của dân sự.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện tượng tự kê khai và nộp thuế đã có từ nhiều năm và năm nay có trường hợp doanh thu lớn, nộp thuế nhiều thì dư luận mới chú ý.
"Hiện tượng các cá nhân kê khai và nộp thuế thu nhập do kinh doanh online là điều hết sức bình thường, chúng tôi tuyên truyền khá nhiều. Gần đây, đối với nội dung kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, số hóa, doanh thu của nhiều người tăng cao nên mọi người để ý. Thực chất, hoạt động này vẫn diễn ra bình thường từ nhiều năm trước" - bà Lan thông tin.
Đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, hiện Việt Nam đã có hiệp định tránh đánh thuế 2 lần cá nhân, tổ chức kinh doanh đối với 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chính vì vậy, người kinh doanh được quyền chọn nơi thu thuế tốt nhất để thực hiện nghĩa vụ.
Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao việc một cô giá 9X tại Hà Nội có thu nhập 330 tỷ đồng nhờ sáng tác phần mềm được các ứng dụng Google Play và App Store đăng tải, cô gái này sau đó đã chủ động nộp thuế số tiền hơn 23,4 tỷ đồng.
Ngay sau đó, ngày 26/1, Chi cục Thuế quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng xác nhận truy thu cá nhân người đàn ông số tiền thuế hơn 25,3 tỷ đồng. Người này được cho là chủ trang web chuyên cung cấp các phần mềm giải trí và số tiền kiếm được chủ yếu qua kênh quảng cáo trên mạng, với hơn 281 tỷ đồng.
Theo một số chuyên gia về kinh tế số, hiện tượng viết phần mềm, xây dựng các ứng dụng game online, tải clip trên Youtube, Google, Facebook hay kinh doanh online đều có doanh thu tốt hiện nay.
Đối với những người viết phần mềm, tạo trò chơi online trên ứng dụng di động, máy tính hiện kiếm tiền nhiều nhất ở các quốc gia phát triển, nơi họ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ và sẵn sàng chi trả tiền quảng cáo hoặc tiền mua, ứng dụng. Tại các khu vực khác, người dân không sẵn sàng chi trả tiền để tải ứng dụng, người viết phần mềm, trò chơi sẽ thu tiền từ các quảng cáo tích hợp.
Tuy nhiên, để có doanh số lớn, những người viết phần mềm, tích hợp video phải làm việc rất chăm chỉ, đổi chủ đề, thay đổi ý tưởng và luôn hướng vào những sản phẩm hút người xem. Chính vì vậy, đây không phải là công việc dễ dàng bởi thuật toán của các nhà mạng và thị hiếu người dùng, nhóm người dùng luôn thay đổi, buộc các đối tác phải thay đổi nhanh, mới có thể thích ứng và kiếm được nhiều tiền.
Sau thu nhập "khủng" 330 tỷ của cô gái sinh năm 92, hãy xem Hacker mũ trắng tiết lộ sự thật về thu nhập tiền tỷ của “thợ săn lỗi”
"Với những lỗi được chấp nhận trên Facebook, mình đã được 4.000 USD (hơn 92 triệu đồng) cho 1 lỗi" - Đậu Huy Ngọc chia sẻ.
Theo Nguyễn Tuyền/Dân trí