Ngày bội thu của đại gia Việt
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, có thời kỳ doanh nhân Việt vẫn liên tiếp đón nhận tin tốt. Với nhiều người, đây dường như là kết quả tất yếu từ những nỗ lực không mệt mỏi của họ.
Dồn dập tin tốt
Cổ phiếu HPG bứt phá ngoạn mục khoảng 17% trong vòng ba tuần qua. Chỉ trong ba ngày, từ 10-12/9, túi tiền của hai vợ chồng đại gia HPG phình thêm 290 tỷ đồng nhờ cổ phiếu tăng từ 30.900 lên 33.100 đồng/cp. Số tiền này đủ để có thể mua thêm 2 máy bay trực thăng như người giàu thứ ba trên sàn chứng khoán, ông Trần Đình Long, đã mua.
Cũng trong ba phiên vừa qua (19-23/9), cổ phiếu HPG leo một mạch từ 32.700 lên 35.000 đồng/cp, tương đương với hai chiếc máy bay nữa; đồng thời, giúp đưa vợ ông là bà Vũ Thị Hiền vào tốp 10 người đứng đầu danh sách này.
Vị trí thứ 10 trong tốp những người giàu nhất trên TTCK là thứ hạng cao nhất mà bà Hiền, cổ đông lớn của Tập đoàn Hòa Phát (HPG) có được từ trước tới nay. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, người đứng ở vị trí này bỏ xa các đại gia ở vị trí tiếp theo về tổng giá trị tài sản.
Số lượng cổ phiếu bà Hiền nắm giữ có giá trị trên 1.080 tỷ đồng, cao hơn khoảng 120-180 tỷ đồng so với tài sản của những người xếp ở sáu vị trí tiếp theo. So với đầu năm, khối tài sản của bà Hiền đã tăng trên 430 tỷ đồng và đây là bệ phóng giúp bà trở thành người phụ nữ thứ 4 góp mặt trong tốp 10 đại gia này, bên cạnh chị em bà Phạm Thu Hương - Phạm Thúy Hằng (Vingroup) và bà Nguyễn Hoàng Yến (Masan Group).
Tính chung từ đầu năm, cổ phiếu HPG đã tăng trên 50%, giúp tài sản của vợ chồng đại gia ngành thép này có thêm hơn 1.800 tỷ đồng và trở thành cặp đôi vợ chồng thứ hai cùng có mặt trong tốp 10, bên cạnh vợ chồng tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng (Vingroup).
Tin vui đến với vợ chồng ông Long - bà Hiền trong bối cảnh Tập đoàn Hòa Phát gặp nhiều thuận lợi trong kinh doanh cho dù nền kinh tế chưa thoát ra khỏi vòng xoáy khó khăn.
Gần đây nhất, hồi đầu tháng 9/2013, Tập đoàn Hòa Phát xác nhận thông tin thu hồi 264 tỷ từ CTCP đầu tư Hà Nội ACB, thoát ra khỏi vũng lầy vụ án rúng động thị trường tài chính Việt Nam bầu Kiên. Với việc thu hồi này, HPG sẽ được hoàn nhập dự phòng hàng trăm tỷ đồng và khoản này cũng đã được xác nhận sẽ ghi nhận vào quý III/2013.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của HPG đang tiến triển theo xu hướng tích cực. Doanh thu liên tục ổn định trong khi lợi nhuận tăng mạnh trong hai quý vừa qua, cao gấp 1,5-2,4 lần so với cùng kỳ năm trước và được dự báo sẽ ở mức cao trong thời gian tới. Đặc biệt là doanh thu bởi dự án BĐS Mandarin được cho là có thể mang lại cho tập đoàn này 5.000 tỷ đồng, hạch toán dần trong 3 năm từ 2013-2015.
Không “phát” bằng ông Long nhưng doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - người giàu thứ hai trên sàn chứng khoán cùng với doanh nghiệp của mình là Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) cũng có đón hàng loạt tin tốt trong thời gian gần đây.
Sau những vụ lình xình về nợ thuế, gánh nặng nợ nần cả chục nghìn tỷ trong năm trước và vụ cáo buộc phá rừng của Global Witness hồi cuối tháng 5 vừa qua, bầu Đức đã vượt qua khá nhiều điều tiếng và có những bước tái cấu trúc doanh nghiệp của mình một cách mạnh mẽ.
Thành công ấn tượng của lứa cầu thủ trẻ được đào tạo bài bản từ 2007 tại Học viện bóng đá HAGL Arsenal trong lần ra quân đầu tiên trong giải U19 Đông Nam Á vừa qua là trận đại thắng của bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai. Số tiền HAG bỏ ra không quá nhiều, không “đốt tiền không khói” như một số ông bầu khác nhưng xét trên góc độ làm thương hiệu thì hiệu quả rất lớn, khó đo đếm và đây hẳn là một quyết định đầu tư đúng đắn.
Không chỉ làm thương hiệu tốt, gần đây HAG tái cấu trúc khá mạnh mẽ và thu được kết quả tốt. Doanh thu và lợi nhuận trong hai quý gần đây của HAG cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm trước. HAG phần nào đã thoát ra khỏi khó khăn về dòng tiền và là một trong những DN có túi tiền mặt nghìn tỷ, đang xin ý kiến trả cổ tức bằng tiền mặt.
May mắn và sự nỗ lực
Cho tới thời điểm này, chưa có tín hiệu nào cho thấy khủng hoảng kinh tế đã qua đi. Trên thực tế, khó khăn vẫn bao trùm cộng đồng DN, bao trùm trên nhiều lĩnh vực như BĐS, xây dựng, chứng khoán, ngân hàng, và ngay cả ngành thế mạnh như thủy sản, cà phê...
Mặc dù vậy, ở đâu đó nhiều DN vẫn bứt phá lên mạnh mẽ hoặc rút chân ra khỏi vũng bùn lầy bằng sự may mắn và nỗ lực của chính bản thân mình.
Trái ngược với sự kín tiếng của ông Long về những tin tốt gần đây của HPG, hàng loạt đại gia thủy sản đã vỡ òa vì sung sướng sau khi Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đưa ra quyết định cuối cùng về việc dỡ bỏ thuế chống trợ cấp hôm 20/9 vừa qua.
Theo đó, các đại gia thủy sản như Minh Phú (MPC), Minh Quí, Nha Trang… sẽ vượt qua những khó khăn gặp phải trong thời gian qua. Như trong trường hợp MPC, DN này sẽ được dỡ bỏ mức thuế đã bị áp trước đó và nhiều khả năng sẽ được hoàn lại thuế.
Thủy sản Hùng Vương (HVG) của đại gia Dương Ngọc Minh cũng gây được khá nhiều ấn tượng trong thời gian gần đây. “Ông lớn” trong ngành này đạt lợi nhuận ròng gần 234 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng trưởng 27% so với cùng kỳ (trong khi ngành giảm 10%) và chiếm 50% tổng giá trị lợi nhuận ngành.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2012 đến nay, HVG liên tục mở rộng quy mô thông qua việc nâng dần tỷ lệ sở hữu tại các công ty liên kết trong lĩnh vực chăn nuôi và thực phẩm. DN này chứng kiến doanh thu tăng 1.000 lần trong 10 năm qua và đang hướng tới mục tiêu lọt tốp tỷ USD doanh số vào năm 2015, trở thành một trong những doanh nghiệp đầu tiên trong ngành ở Đông Nam Á đạt ngưỡng này.
Cũng thuộc tốp những đại gia vượt lên trên khủng hoảng, ông Phạm Nhật Vượng cùng vợ giữ chắc hai vị trí số 1 và thứ 4 trong tốp giàu nhất nhờ cổ phiếu VIC tăng so với đầu năm. Trong nhiều tuần, hai vợ chồng kín tiếng nhưng giàu nhất trên sàn chứng khoán đã bỏ túi hàng trăm tỷ đồng nhờ sự gia tăng của cổ phiếu VIC sau khi DN này công bố những thông tin tốt như: doanh thu lợi nhuận quý II tăng vọt, trúng các dự án lớn...
Một đại gia cũng gặt hái được nhiều thành công trong ba quý đầu năm là Tôn Hoa Sen (HSG) của đại gia Lê Phước Vũ. Trong 9 tháng đầu năm (niên độ 1/10/2012 đến 30/9/2013), DN này lãi 474 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Gần đây, HSG vay được nguồn vốn 2.500 tỷ đồng lãi suất thấp từ VietinBank để tài trở cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và hướng tới mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2013-2017. Trước đó, quyết định bỏ hàng chục tỷ đồng mời người không chân tay Nick Vujicic về Việt Nam, ở khía cạnh kinh doanh, cũng là một vụ làm thương hiệu thành công của HSG.
Không chỉ các DN lớn, có sự ổn định cao, nhiều DN gặp khó khăn trong năm trước thì gần đây cũng đã có những bước tiến đáng kể, rút chân ra khỏi vũng bùn như trường hợp Western Bank sáp nhập vào PVFC; VHG điều chỉnh kế hoạch từ lỗ thành lãi 130 tỷ đồng, quyết tâm "bám" sàn; NLG phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ để cải thiện khả năng thanh toán nhanh; KBC xin ý kiến cổ đông phát hành 100 triệu cổ phiếu cấn trừ công nợ và bổ sung vốn; HT1 phát hành thêm 120 triệu cổ phiếu cho công ty mẹ Vicem để cấn trừ công nợ...
Có thể thấy, mặc dù nền kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng sức sống của nhiều DN tư nhân, DN cổ phần vẫn rất mạnh mẽ. Không ít DN đã nhận ra sai lầm mắc phải và chuyển hướng khá nhanh. Những kết quả tích cực đạt được gần đây chắc chắn phần lớn dựa vào những nỗ lực của chính những người lèo lái DN.
Nguồn: Vietnamnet