Ngành TT&TT cần có cơ chế, chính sách đột phá, tận dụng cách mạng CN lần thứ 4
Toàn cảnh về TT&TT năm 2016
Sáng 23/12/2016, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017. Tới dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và địa phương.
Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phân tích rõ những ưu điểm cũng như những khó khăn, tồn tại trong hoạt động của ngành TT&TT.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Cụ thể, về công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, mặc dù đặc thù của ngành có những lĩnh vực mới, những lĩnh vực kỹ thuật phức tạp, hay những lĩnh vực có ảnh hưởng, tác động sâu rộng đến toàn xã hội, nhưng Bộ TT&TT đã nỗ lực cố gắng hoàn thành và ban hành nhiều nhiều cơ chế, chính sách, quy định quan trọng, như: Luật Báo chí 2016. Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 (đã được Bộ hoàn thiện, trình Ban cán sự Đảng Chính phủ); các Nghị định hướng dẫn về Luật An toàn thông tin mạng...
Về công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực báo chí, Bộ TT&TT đã tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực báo chí, nghiêm túc, quyết liệt chấn chỉnh, xử lý nghiêm vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử xa rời tôn chỉ mục đích, đối tượng phục vụ, không tuân thủ kỷ luật thông tin khi đưa tin và thiếu nhạy cảm, chạy theo xu hướng thông tin giật gân gây hiệu ứng xấu cho xã hội. Một số cơ quan báo chí còn dẫn nguồn tin từ những trang thông tin điện tử và mạng xã hội không phép, không được kiểm chứng.
Trong lĩnh vực viễn thông, tần số vô tuyến điện, công tác quản lý nhà nước cũng đã được tăng cường và đẩy mạnh. Đáng chú ý, trong những tháng cuối năm, công tác quản lý thuê bao trả trước, ngăn chặn sim rác, khuyến mại vượt quy định đã được Bộ TT&TT truyển khai quyết liệt. Bước đầu đã phát hiện 12 triệu SIM thuê bao kích hoạt sẵn trên kênh phân phối mà chưa có thông tin chính xác, gần 600 nghìn thuê bao đi đăng ký lại, hơn 15 triệu thuê bao đã bị khóa tài khoản.
Trong lĩnh vực bưu chính, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đặc biệt ghi nhận sự chủ động, sáng tạo, nỗ lực của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam trong việc đổi mới hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ. Một trong những điểm nhấn đáng chú ý là Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích góp phần thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử.
Tuy nhiên, hoạt động bưu chính ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, việc duy trì điểm bưu điện - văn hóa xã cũng rất vất vả do thiếu nhân lực; thu nhập cho nhân viên thấp, các loại hình dịch vụ cung cấp còn hạn chế.
Về lĩnh vực công nghệ thông tin, năm 2016, Bộ TT&TT tiếp tục triển khai các đề án lớn về CNTT, phát triển công nghiệp CNTT, nguồn nhân lực CNTT. Đặc biệt, Bộ đã chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình để kịp thời xây dựng các báo cáo, đưa ra đề xuất chi tiết, cụ thể với lãnh đạo Đảng, Nhà nước về các xu thế công nghệ mới trên thế giới như Thành phố Thông minh, Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Tuy nhiên, công nghiệp CNTT vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp FDI, thiếu công nghiệp hỗ trợ, chưa phát triển được những sản phẩm trong nước có khả năng xâm nhập và cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đầu tư cho ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước còn rất hạn chế; thói quen làm việc chủ yếu dựa trên văn bản giấy vẫn còn phổ biến trong hoạt động của các cơ quan nhà nước làm ảnh hưởng đến việc triển khai các hệ thống thông tin phục vụ cho xây dựng chính quyền điện tử, chính phủ điện tử.
Về lĩnh vực xuất bản, in và phát hành, Bộ TT&TT đã tăng cường rà soát, thanh tra, kiểm tra việc phát hành các xuất bản phẩm, xử lý các hành vi in lậu, chấn chỉnh hoạt động của các nhà xuất bản. Đồng thời Bộ TT&TT cũng phối hợp xây dựng phương án tháo gỡ khó khăn, sắp xếp, chuyển đổi, tái cơ cấu các nhà xuất bản. Song đến thời điểm hiện nay, ngành xuất bản vẫn gặp nhiều khó khăn. Đa số các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ, dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được đối tác liên kết cũng như các quy trình liên kết xuất bản.
Toàn cảnh hội nghị. |
Năm 2017: Nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách đột phá
Cũng tại Hội nghị, người đứng đầu Bộ TT&TT đã chỉ rõ những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành cần phải thực hiện trong năm 2017.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên được nhắc đến là tiếp tục tập trung xây dựng ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực TT&TT, đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách mang tính chất đột phá nhằm tận dụng các cơ hội phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; các chính sách tạo điều kiện cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn khó khăn thụ hưởng những lợi ích do lĩnh vực thông tin và truyền thông mang tới.
Mặt khác, phải quán triệt và triển khai thực hiện nghiên túc các nghị quyết, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Tập trung, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quản lý nhà nước về TTTT theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Thực hiện nghiêm các quan điểm, chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng CNTT trong thực thi nhiệm vụ.
Các cơ quan, đơn vị có liên quan phải thực hiện tốt Luật Báo chí; đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các cơ quan báo chí, thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại. Tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là việc triển khai thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016-2020, công tác đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đấu tranh chống lại các thông tin xuyên tạc, chống phá từ các thế lực thù địch; tiếp tục chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm quy định của Luật Báo chí; quản lý chặt chẽ các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, qua đó xây dựng lòng tin của nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Nhiệm vụ đáng chú ý khác là tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Đảm bảo thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách phát huy hiệu quả của các Điểm Bưu điện - Văn hóa xã.
Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ hoạt động cạnh tranh, khuyến mại, giá cước, chất lượng dịch vụ để bảo đảm quyền lợi người sử dụng dịch vụ viễn thông. Triển khai Đề án cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao và kế hoạch chuyển đổi mã vùng điện thoại cố định. Tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mua bán lưu thông SIM di động sai quy định; xây dựng các chính sách thúc đẩy sự phát triển thuê bao di động trả sau,
Đặc biệt, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu các đơn vị trong ngành phải đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.
“TT&TT phải là ngành đi đầu trong ứng dụng CNTT. Phải thúc đẩy việc triển khai Chương trình mục tiêu về CNTT, Chương trình mục tiêu phát triển ngành công nghiệp CNTT giai đoạn 2020, tầm nhìn 2025; Phát triển các khu CNTT tập trung; Thúc đẩy phát triển các sản phẩm CNTT trong nước.
Đồng thời, phải tập trung thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, tăng cường công tác giám sát, đánh giá hiệu quả và mức độ ứng dụng CNTT và triển khai dịch vụ công trực tuyến.
Đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng; hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương, tổ chức giám sát và ứng phó kịp thời trước các nguy cơ tấn công mạng. Tiếp tục tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức toàn xã hội về an toàn thông tin. Chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin”, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nói.
Ngoài ra, cần tăng cường công tác thực thi pháp luật, thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi sai phạm trên tất cả các lĩnh vực TT&TT, đặc biệt là môi trường báo chí, xuất bản, viễn thông, thông tin điện tử, Internet. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, hiệp hội và doanh nghiệp để thực hiện các biện pháp liên ngành giúp công tác thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao...