Ngành Hải quan đi đầu về hiện đại hóa
Công chức Hải quan Cao Bằng tác nghiệp trên hệ thống thông tin nghiệp vụ của ngành Hải quan. (Ảnh: T.Bình) |
Tự động hóa nhờ VNACCS/VCIS
Với vai trò là cơ quan đi đầu trong hội nhập quốc tế, ngành Hải quan luôn chủ động, quyết liệt trong đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. Điều này xuất phát từ tư duy đột phá của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính, đặc biệt là tập thể lãnh đạo và CBCC hải quan qua các thời kỳ nhằm xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT sâu, rộng trong mọi lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ.
Quan điểm cải cách, phát triển và hiện đại hóa hải quan trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm giải quyết một cách tốt nhất, hiệu quả nhất trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là hàng hóa XNK tăng mạnh qua từng năm. Đồng thời đi kèm với xu thế hội nhập cũng đặt ra những khó khăn, thách thức to lớn trong công tác giám sát, quản lý hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại…
Một trong những ứng dụng CNTT có tính chất đột phá chính là thời điểm thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản viện trợ từ ngày 1/4/2014.
VNACCS/VCIS đã mang lại nhiều lợi ích to lớn đối với cộng đồng DN, nhất là tạo thuận lợi trong khai báo, thông quan hàng hóa, qua đó giúp giảm thời gian, chi phí cho DN… Với cơ quan Hải quan, điều đột phá của VNACCS/VCIS được nhắc đến nhiều hơn cả là giúp Hải quan Việt Nam hoàn thành được mục tiêu xây dựng một Hệ thống CNTT tập trung. Bởi trước đây, hệ thống CNTT tập trung ở đầu mối các cục hải quan địa phương khiến công tác quản lý, việc triển khai ứng dụng CNTT một cách thống nhất trong toàn Ngành gặp không ít khó khăn. Đến nay, ngành Hải quan đã phủ sóng VNACCS/VCIS tại 100% chi cục hải quan trên phạm vi cả nước; 99,99% doanh nghiệp, 99,99% tờ khai và 99,99% kim ngạch XNK đã được thực hiện qua Hệ thống VNACCS/VCIS.
Việc thực hiện thành công VNACCS/VCIS chính là nền tảng để ngành Hải quan triển khai các chương trình hiện đại hóa sau này theo mục tiêu phát triển do Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra.
Hải quan - Trung tâm kết nối
Với ngành Hải quan, từ khi đặt được nền móng về tập trung dữ liệu thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS, câu chuyện tích hợp công nghệ để cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan tiếp tục chuyển động không ngừng.
Đó là việc áp dụng mã vạch trong giám sát hải quan; Phối hợp thu nộp thuế với ngân hàng thương mại qua phương thức điện tử 24/7; thực hiện e-Manifets… và gần đây nhất là áp dụng Hệ thống quản lý hải quan tự động. Điều này cho thấy mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT và tích hợp các hệ thống với nhau theo tinh thần của Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành Hải quan đang được triển khai quyết liệt, hiệu quả.
Xin đơn cử như trường hợp của Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển (được triển khai chính thức tại Hải Phòng từ ngày 1/12/2017 với tên gọi VASSCM). Đây được xem là đột phá lớn nhất về ứng dụng CNTT của ngành Hải quan kể từ sau khi thực hiện VNACCS/VCIS. Với Hệ thống quản lý hải quan tự động, cơ quan Hải quan kết nối tự động với Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) để khai thác giúp sử dụng hiệu quả nguồn thông tin e-Manifets; Hệ thống VNACCS/VCIS, E-Customs (V5) phục vụ công tác kiểm tra, giám sát.
Đồng thời với DN kinh doanh cảng, Hệ thống giúp cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về tình trạng cấp phép thông quan (Từ cơ quan Hải quan) với từng lô hàng, từng container, để giảm thiểu rủi ro trong thực hiện thủ tục giao, nhận hàng so với thực hiện bằng chứng từ giấy; Có thể thực hiện chế độ quản lý, thống kê, lưu giữ chứng từ giao nhận hàng hóa đảm bảo nhanh chóng, chính xác, khoa học và minh bạch; nâng cao uy tín, tăng khả năng tiếp nhận, khai thác hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh doanh và năng lực cạnh tranh.
Nói đến câu chuyện tích hợp, không thể không nhắc vai trò chủ công của ngành Hải quan trong thực hiện NSW, Cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Với vai trò Cơ quan Thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực kết nối ASW cùng với Indonesia, Malaysia và Thái Lan vào tháng 9/2015. Đặc biệt, Cổng thông tin NSW đã kết nối được 11 bộ, ngành. Tính đến ngày 15/11/2018, đã có 130 thủ tục được đưa lên NSW, với tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên 1,66 triệu bộ hồ sơ và trên 25.300 doanh nghiệp tham gia.
Với ASW, Việt Nam đang tiếp tục triển khai trao đổi chính thức Giấy chức nhận xuất xứ mẫu D (C/O form D) với 4 nước: Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan; Đồng thời, tham gia trao đổi thử nghiệm C/O form D với 3 nước (Brunei, Campuchia, Phillipines). Tính đến ngày 15/11/2018, tổng số C/O Việt Nam nhận từ 4 nước ASEAN là: 50.435 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là 85.831 C/O. Thời gian tới, theo kế hoạch sẽ triển khai kết nối kỹ thuật thử nghiệm trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN, chứng nhận kiểm dịch thực vật (ePhyto), chứng nhận kiểm dịch động vật (e-AH).
Qua đó, giúp cho việc thực hiện thủ tục của DN, công tác quản lý của các bộ, ngành thuận lợi, hiệu quả hơn. Việc thực hiện ASW đã giúp “xóa nhòa ranh giới” về mặt địa lý đơn thuần giữa các quốc gia, trong khi thực hiện NSW giúp từng bước bỏ đi quan niệm “cát cứ” trong công tác quản lý của mỗi bộ, ngành để cùng chung tay vì một mục tiêu, một chủ trương chung là xây dựng Chính phủ kiến tạo, đồng hành vì sự phát triển của người dân, DN.
Những năm tới, mục tiêu quan trọng, cụ thể được Chính phủ, Bộ Tài chính đặt ra đối với ngành Hải quan là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong thực hiện thủ tục hải quan, hướng đến môi trường hải quan điện tử phi giấy tờ, được thực hiện “Mọi nơi - Mọi lúc - Mọi phương tiện”. Đồng thời đẩy mạnh việc trang bị và nâng cao hiệu quả sử dụng các trang thiết bị công nghệ hiện đại trong công tác kiểm tra, giám sát tại các địa bàn trọng điểm.
Thời gian tới, trước bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Hải quan Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT), phân tích dữ liệu lớn (Big data), trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi kết nối (Blockchain)… trong quản lý nhà nước về hải quan.
Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao về cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN, Bộ Tài chính đã chỉ đạo triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực tài chính và đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó góp phần thiết thực vào việc tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho DN. Chúng tôi nhận thấy rõ, cơ quan Thuế, Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đưa ứng dụng CNTT vào công tác quản lý. Những nỗ lực này đã đưa Bộ Tài chính luôn là một trong những bộ, ngành đứng Top đầu về công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Ông Đào Huy Giám - Tổng Thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam (VPSF): Vài năm qua, ngành Hải quan đã thực hiện và đẩy mạnh phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp và liên hệ chặt chẽ với hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp hiệu quả hơn. Những sáng kiến về thỏa thuận quan hệ đối tác ngày được triển khai rộng, và có nhiều doanh nghiệp được hưởng chế độ “Doanh nghiệp ưu tiên”, tạo thuận lợi thương mại thông qua NSW, cơ chế quản lý rủi ro… là những bước tiến rất đúng hướng mà doanh nghiệp trông đợi… |