"Ngành điện không trốn tránh trách nhiệm được đâu!"
Sự cố cúp điện toàn miền Nam vừa qua được xác định là do xe chở cây đụng vào... |
Theo ông Cuông, việc bảo vệ hành lang lưới điện đã được quy định rất rõ trong Luật điện lực, cụ thể việc bảo vệ hành lang lưới điện được quy định theo điện áp, nếu điện áp cao thì khoảng cách rộng, xa hơn. Tuy nhiên hiện nay tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện là rất nghiêm trọng. Sự việc xảy ra hôm 22/5 là vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện cao thế. Việc xảy ra sự cố mất điện tại 22 tỉnh miền Nam đã đặt ra cho ngành điện một vấn đề về việc phải thường xuyên khảo sát kiểm tra, một cách cương quyết, chặt chẽ, xử lý vi phạm một cách quyết liệt hơn để bảo vệ hành lang lưới điện cao áp nói riêng và hành lang lưới điện nói chung.
Sự cố mất điện tại 22 tỉnh miền Nam vừa qua do sự bất cẩn của công nhân di chuyển cây dầu gần đường dây 500kv Bắc Nam, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Tôi nghĩ đó là sự bất ngờ lớn. Chỉ cần có một cây chạm vào đường dây mà đã khiến 22 tỉnh miền Nam mất điện toàn bộ. Điều đó rất nguy hiểm trong quá trình vận hành của ngành điện. Tôi sợ công nghệ trong quản lý điện bị rơi rớt, phân đoạn. Ví dụ sự cố xảy ra ở đoạn này thì chỉ mất điện ở trong khu vực đó. Có thể do ngành điện không đầu tư, nâng cấp để cho hệ thống công nghệ quản lý được đồng bộ, an toàn. Việc đầu tư, nâng cấp cho công nghệ quản lý vận hành lưới điện trên thế giới đều luôn luôn được đặt lên hàng đầu.
Tôi hoàn toàn bất ngờ trước sự cố, với một đường dây lớn như vậy, trục xương sống của quốc gia mà khi chỉ có cây chạm vào một chỗ đã gây mất điện 22 tỉnh toàn miền nam. Điều này là không thể chấp nhận được.
Ông Lê Văn Cuông
Tôi cho rằng, quy định về việc bảo vệ hành lang lưới điện đã có nhưng việc thực hiện không nghiêm túc. Nếu bây giờ kiểm tra dọc đường dây 500kv Bắc Nam thì tình trạng vi phạm hành lang lưới điện sẽ không ít. Theo tôi tiên đoán có thể việc vi phạm hành lang lưới điện sẽ rất nghiêm trọng, có thể vì những vi phạm lưới điện này nó chưa xảy sự cố ra nên chúng ta chưa biết. Nếu ngành điện làm nghiêm túc quy định của luật thì sự cố sẽ không xảy ra.
Qua sự cố này cho thấy, ngoài vấn đề tổn thất về kinh tế thì ngành điện gây mất uy tín lớn. Đây là sự cố có thể nói trên thế giới chưa bao giờ có. Chỉ một sự cố rất đơn giản đơn giản mà đã xảy ra sự việc như vậy chứ chưa nói gì đến vấn đề phá hoại này khác, về an ninh quốc phòng.
Chính sự việc này đã bộc lộ sự yếu kém trong quản lý của ngành điện của nước ta.
Theo tôi, ngành điện phải kiểm tra lại sự an toàn của hành lang lưới điện. Ngoài ra, phải sửa, nâng cấp lại hệ thống lưới điện, nếu mất điện thì chỉ mất một khu vực nào đó chứ không thể mất cả một khu vực rộng lớn như thế.
Thưa ông, trả lời báo chí, ngành điện cho rằng sự cố xảy ra trong lúc truyền tải công suất cao làm mất liên kết hệ thống điện 500KV Bắc Nam gây ảnh hưởng tới tất cả các tổ máy phát điện trong hệ thống điện miền Nam, dẫn tới miền Nam mất điện toàn bộ. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Theo tôi đó là sự bao biện của ngành điện. Đã đường điện thì phải đảm bảo an toàn một cách cao nhất, khi xây dựng phải có đầy đủ các phương án an toàn. Ví dụ như nhà anh có 4 tầng, anh chỉ lắp mỗi một Át-tô-mát thì khi gặp sự cố sẽ mất điện cả 4 tầng, còn nếu mỗi tầng anh lắp đặt một cái thì khi có sự cố xảy ra ở tầng nào thì chỉ tầng đó mất điện chứ làm sao mất điện cả tòa nhà anh ở được. Tuy nhiên, nếu đầu tư như vậy anh sẽ phải tốn kém hơn là anh chỉ lắp đặt một thiết bị cho cả tòa nhà.
Đấy chỉ là đường điện của gia đình, còn đường điện 500KV Bắc Nam là hệ thống điện quốc gia thì phải quan tâm hơn đến vấn đề này. Tôi thấy ngành điện đang còn làm ăn theo kiểu chộp giựt, đầu tư theo kiểu ăn xổi chứ không đầu tư lâu dài để đảm bảo an toàn. Đến khi xảy ra vấn đề, sự cố này khác thì lại đưa các lý do để bao biện. Ngành điện phải đảm bảo an toàn 24/24, mất chỗ này còn chỗ khác, mất nhà máy điện này thì còn nhà máy điện khác chứ. Nói cách gì hay bao biện kiểu gì thì ngành điện cũng không thể trốn tránh trách nhiệm được đâu!
Trân trọng cảm ơn ông!